Điện mặt trời ở Bạc Liêu: nóng đầu vào, lạnh đầu ra

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Là tỉnh phát triển “nóng” điện mặt trời năm 2020, Bạc Liêu có hơn 1.600 hệ thống, nhất là kết hợp với mô hình kinh tế trang trại. Tuy nhiên, qua kiểm tra phần lớn trang trại chưa tổ chức sản xuất, chưa hình thành... trong đó, chỉ số ít được Điện lực Bạc Liêu mua lại.

Trang thiết bị hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông Vũ Mạnh Thường tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu bỏ không nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Nam
Trang thiết bị hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông Vũ Mạnh Thường tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu bỏ không nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Nam

Không bán được điện, tiền tỷ bỏ phí

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 1.615 hệ thống điện mặt trời mái nhà, gồm: điện mặt trời hộ dân, công trình dân dụng, công trình trang trại với tổng công suất gần 184 MW. Trong đó, có 141 hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên công trình trang trại, chủ yếu diện tích nuôi tôm. Trong số này có 53 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã ký kết hợp đồng mua bán điện nhưng hạn chế công suất phát điện.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông Vũ Mạnh Thường bỏ không 4 năm qua. Ảnh: Hoàng Nam
Hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông Vũ Mạnh Thường bỏ không 4 năm qua. Ảnh: Hoàng Nam

Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, ông Vũ Mạnh Thường (65 tuổi, trú xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết, năm 2020, ông đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng mua trang thiết bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên diện tích khoảng 1 ha, ở khu xử lý nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, ông còn ký hợp đồng với một doanh nghiệp xây dựng trạm hạ thế, đường dây đấu nối với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, đồng thời ký kết hợp đồng mua bán điện với Điện lực Bạc Liêu.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, trạm hạ thế, đường dây đấu nối chưa lắp đặt xong nên hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông Thường không thể bán điện cho Điện lực Bạc Liêu. Do đó toàn bộ trang thiết bị bỏ không giữa vuông tôm, tài sản nhiều tỷ đồng “dầm mưa, phơi nắng” gần 4 năm qua.

Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua tỉnh có nhiều dự án đầu tư điện gió và dự án điện mặt trời. Trong quá trình đầu tư điện mặt trời nói riêng, qua rà soát theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 22/2/2024 đã xác định: đối với mô hình kinh tế trang trại kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà, phần lớn các trang trại chưa tổ chức sản xuất, chưa mang lại giá trị kinh tế, trang trại chưa hình thành, chưa phù hợp với kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTN ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Xem xét, xử lý nếu phát hiện sai phạm

Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết, nguyên nhân là do ngành điện chỉ chú trọng đến thủ tục đấu nối, ít quan tâm đến tiêu chí của mô hình lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ngoài ra, do vướng mặt bằng thi công nên đến ngày 31/12/2020, có một số chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp xây dựng mới đường dây trung áp như đã thỏa thuận. Vì vậy, phía điện lực và các chủ đầu tư đã thỏa thuận công suất phát theo khả năng mang tải của tuyến đường dây hiện hữu.

Hiện nay, các chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp lưới điện theo phương án thỏa thuận, tuy nhiên thời điểm hiện tại, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực. Do đó, các bên vẫn tiếp tục hạn chế công suất phát của 53 hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng công suất đã thỏa thuận vận hành tại thời điểm ngày 31/12/2020.

Một hệ thống điện năng lượng mặt trời ven biển tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hoàng Nam
Một hệ thống điện năng lượng mặt trời ven biển tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hoàng Nam

Nguyên nhân nữa đó là việc xác nhận mô hình kinh tế trang trại của các xã, phường, thị trấn còn lỏng lẻo, chung chung chưa đúng với thực tế. Việc đầu tư và ký hợp đồng mua bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới 1 MW được thực hiện giữa chủ đầu tư và ngành điện, không thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định thì tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành (không phải thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư dự án theo quy định về đầu tư).

Thông tin với báo chí, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công Thương cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra rà soát đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, để tham mưu xử lý đối với mô hình kinh tế trang trại kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà (đã có xác nhận của UBND cấp xã) nhưng thực tế trang trại chưa hình thành.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương cùng các đơn vị có liên kiểm tra, rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, đánh giá sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 141 mô hình kinh tế trang trại kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý (nếu phát hiện sai phạm).

Tỉnh cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Nam chỉ đạo Công ty Điện lực Bạc Liêu xử lý dứt điểm đối với 53 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã ký hợp đồng mua bán điện theo công suất lắp đặt, dừng hạn chế công suất phát điện.