Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện tăng giá, lo cách ứng phó

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Giá bán lẻ điện đã tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) so với giá cũ là 1.622,01 đồng/kWh đã tác động đến toàn bộ các ngành kinh tế. Mức tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể.

Người dân, DN gồng mình
Chị Thu Trang ở Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá điện tăng, tính ra mỗi tháng gia đình chị phải trả thêm khoảng 200.000 - 300.000 đồng. “Viện phí, học phí… tăng, nay lại thêm giá điện tăng trong khi thu nhập của các thành viên trong gia đình không tăng” - chị Trang thở dài. DN sản xuất, kinh doanh cũng bị tác động từ việc tăng giá điện, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng lượng điện lớn như thép, xi măng, dệt may, nhựa, thủy sản. Ông Đỗ Duy Thái - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt cho biết, chi phí điện chiếm rất lớn trong tổng chi phí sản xuất thép. Tăng giá điện đồng nghĩa DN phải tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng theo, trong khi thị trường thép đang cạnh tranh khốc liệt.

Nhân viên điện lực Hà Nội kiểm tra, ghi chỉ số công tơ cho khách hàng tại quận Long Biên. Ảnh: Việt Cường

Lần tăng giá điện này khiến nhiều DN không kịp tính toán chi phí cho phù hợp, bởi đây là thời điểm cuối năm. “Một DN chế biến thực phẩm đông lạnh phải sử dụng nhiều điện trong dây chuyền sản xuất và bảo quản thì sơ bộ mỗi tháng chi phí điện sẽ tăng 200 triệu đồng và giá thành sản phẩm tăng 0,3%” - đại diện Công ty HaNoi Food có địa chỉ ở Trương Định (quận Hai Bà Trưng) cho biết. Đang vào mùa cao điểm chuẩn bị sản xuất hàng hóa cung ứng cho dịp cuối năm và Tết Âm lịch nên DN sẽ phải gồng giữ giá vì cạnh tranh thị trường quá gay gắt, nếu đơn lẻ tăng giá sẽ mất thị phần, chưa kể DN muốn tăng giá chưa chắc được nhà phân phối đồng ý.

Để người tiêu dùng thoải mái hơn

Giá điện tăng buộc DN phải cân đối, tiết kiệm, tránh giờ cao điểm. “Về lâu dài DN cũng tính đến thay thế thiết bị cũ tiêu hao điện năng lớn” - đại diện Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định cho biết. Tuy nhiên, đó là những DN lớn, nhưng với DN nhỏ và vừa sẽ khó xoay sở để bù vào số tiền điện tăng thêm mỗi tháng. Theo kết quả nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư công bố gần đây, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng công nghệ “lạc hậu” còn khá lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho biết: "Công bố giá điện bất ngờ, lẽ ra cần có sự chuẩn bị từ trước để người tiêu dùng tiếp cận thoải mái hơn". Thực tế, người tiêu dùng phải tăng chi trả trực tiếp không chỉ là 6,08%, mà còn trả cho các mặt hàng gián tiếp tăng, nên con số thực sự không biết là bao nhiêu.

Theo TS Nguyễn Đức Độ (Học Viện Tài chính), để tạo sự đồng thuận của người dân, EVN cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở công khai các yếu tố giá nguyên nhiên liệu đầu vào, chi phí kinh doanh, trích lợi nhuận, khấu hao của EVN… Tiền điện tăng thêm thu về rồi được tiếp tục kinh doanh như thế nào, xa hơn nữa là tái cấu trúc tập đoàn ra sao để có một thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Bên cạnh việc tăng giá điện, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để tránh “té nước theo mưa”, tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, DN.
Cách tính tiền điện trong kỳ chuyển đổi giá

Ngay sau khi có Quyết định điều chỉnh giá bán điện từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực tập trung bố trí lực lượng chốt chỉ số công tơ đo đếm điện đối với khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt ngay trong ngày 1/12/2017 của khách hàng, đồng thời, thông báo chỉ số chốt đến khách hàng trong vòng 24 giờ theo thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện. Riêng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc tính giá điện trong kỳ chuyển đổi giá được thực hiện theo phương pháp nội suy sản lượng. Đây là nguyên tắc được sử dụng để tính sản lượng cho các khoản biến động trong trường hợp có thay đổi về giá bán điện nhưng không thực hiện chốt chỉ số.

Khách hàng cũng có thể tham khảo trên website của ngành điện, bộ phận chăm sóc khách hàng của các tổng công ty, công ty điện lực các địa phương
Có thể dễ dàng tính toán, tùy theo hệ số sử dụng điện sẽ phải tăng lên từ các ngành dệt may, chăn nuôi, thức ăn, thủy sản…, những mặt hàng này tăng sẽ góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 12 nên việc ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên là không đáng kể và trong năm 2017 vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4%; có chăng sẽ tác động vào năm tới. 
TS Lê Đăng Doanh
Với mức giá điện mới, các hộ tiêu thụ điện theo các bậc sẽ phải trả tăng thêm tương ứng tối đa 4.900 đồng/tháng (bậc 1), 9.950 đồng/tháng (bậc 2), 20.550 đồng/tháng (bậc 3), 33.750 đồng/tháng (bậc 4), 48.350 đồng/tháng (bậc 5). Hộ tiêu dùng bậc 6 phải tăng chi theo lũy tiến. Với điện kinh doanh, mức giá thậm chí còn tăng mạnh hơn.