Ngày 29/9, Công an TP Hà Nội cho biết, nhằm chủ động thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” qua đó nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, tai nạn sự cố cho cán bộ, chiến sĩ, lao động hợp đồng các đơn vị làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Công an, Cục Hậu cần phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH huy động nhiều lực lượng, phương tiện.
Chủ trì diễn tập phương án có Thiếu tướng Phạm Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hậu cần và đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội tham dự…
Tình huống giả định (phần trình diễn CNCH) xảy ra cháy ở khu vực để xe ô tô tầng P01-BB3. Nguyên nhân do 1 xe ô tô bị rò rỉ xăng, hơi xăng kết hợp ôxy trong không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ sau đó gặp nguồn nhiệt từ hệ thống dây dẫn bị mòn lớp vỏ cách điện gây cháy.
Trong quá trình thoát nạn, tại khu vực lối ra tầng hầm, do tâm lý hoảng loạn, mất tầm nhìn nền đã xảy ra va chạm giao thông giữa 2 xe ô tô khiến 2 người lái xe bị bất tỉnh và mắc kẹt trong xe.
Khi các lực lượng đang triển khai chữa cháy và CNCH tại khu vực để xe thì tiếp tục phát hiện 1 đám cháy xảy ra tại tầng 5 nhà khách, do quá trình thoát nạn 1 người đã làm đổ cốc nến gây cháy trong phòng nghỉ, đám cháy có khả năng tiếp tục lan rộng nếu không được cứu chữa kịp thời. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Đội PCCC cơ sở đã huy động lực lượng xử lý đám cháy, hướng dẫn thoát nạn, đồng thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Đồng thời, Trung tâm chỉ huy thuộc Công an TP Hà Nội đã điều động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận khu vực lân cận cận nhanh chóng phối hợp tổ chức chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong thời gian ngắn các lực lượng phối hợp xử lý số người mắc kẹt đã được cứu nạn an toàn, tài sản, phương tiện được cứu hộ đảm bảo và dập tắt đám cháy.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, diễn tập có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm vụ thực hiện các biện pháp chủ động, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Qua đó cán bộ, chiến sĩ được thực hành kỹ năng CNCH phát huy tính chủ động trong xử lý tình huống. Đây cũng là biện pháp kiểm tra phương tiện, sự phối hợp các lực lượng qua đó nâng cao trình độ, khả năng ứng trực, xử lý tình huống khẩn nguy công tác chiến đấu.
Đồng thời, cũng là phương pháp để kiểm tra hoạt động tốt của các thiết bị phương tiện tại cơ sở, nhà ở, làm việc nhiều tầng, có tầng hầm chứa nhiều loại phương tiện để qua đó kịp thời phát hiện, thay thế, bảo dưỡng phục vụ công tác sẵn sàng ứng trực, chiến đấu.
“Qua phương án cụ thể, công tác phối hợp nhiều lực lượng có thêm kỹ năng xử lý để trong thời gian tới Công an TP tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống cháy, nổ đảm bảo tuyệt đối an toàn trên địa bàn thành phố” – Đại tá Dương Đức Hải cho biết.
Phát biểu chỉ đạo và rút kinh nghiệm buổi diễn tập, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn nhấn mạnh, trước tình hình cháy, nổ trên địa bàn toàn quốc vẫn diến biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn, do vậy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác phòng cháy và chữa cháy, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý những tình huống cháy, nổ.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, trong thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư về tăng cường công tác PCCC; Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 18 của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; các quy định của Luật PCCC với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Chú trọng công tác phòng ngừa, xử lý cháy ngay từ cơ sở; chỉ đạo lực lượng PCCC cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra tình trạng hoạt động của cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp để qua đó hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra.