Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện thoại giữa mùa dịch

Nhà văn PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi sáng ngày hôm nay đến khá sớm, nó bắt đầu bằng tiếng kêu inh ỏi của chuông điện thoại, không biết hồi mua điện thoại mấy ông bạn bán máy sợ mình lớn tuổi tai bị nghễnh ngãng hay sao ấy nên cái tiếng chuông khá to và gấp gáp như bị ma đuổi. Tuy nhiên lâu ngày nên quen, mình cũng không thấy làm khó chịu lắm, thậm chí còn thích thú nữa.

Điện thoại từ bệnh viện, một ca bệnh nặng khó thở nhiều đang nhập bệnh viện cấp cứu. Nặng thì không sao, nhưng cái khó nhất là bệnh nhân lại có kết quả test dương tính với cúm Covid-19. Mấy ngày hôm nay bệnh nhân cúm nhiều quá, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, có khá nhiều bệnh nhân nặng, già có, trẻ có thật là khổ cho bệnh nhân và cho cả chúng tôi những nhân viên y tế.
 Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tăng cường tại Bệnh viện Dã chiến số 16, TP Hồ Chí Minh trong ca trực. Ảnh: Thu Anh
Vừa mặc quần áo vừa điện thoại hướng dẫn cô bác sĩ nội trú trẻ xử lý cấp cứu cho bệnh nhân. Việc xử lý cấp cho bệnh nhân bị Covid khá khó khăn vì phải vừa xử lý cấp cứu rất phức tạp vừa tránh lây nhiễm cho bản thân. Cô bác sĩ nội trú lo lắng nói với tôi qua điện thoại: Thầy ơi, em chưa bao giờ cấp cứu cho bệnh nhân bị nhiễm Covid nặng! Thế bệnh nhân có khó thở không? Khó thở nhiều lắm nồng độ bão hòa Oxygen chỉ còn dưới 80%. Đặt nội khí quản cho thở máy ngay, đã mặc đồ bảo hộ cá nhân chưa? Rồi tất cả nhân viên đều mặc, thầy cứ yên tâm.

Đầu ngõ xe cấp cứu đã đến, không kịp nhắn lại vợ con, tôi lao nhanh lên xe và dặn người tài xế: Chạy nhanh lên, nhưng đừng hụ còi nhé. Tiếng còi hụ làm cho mọi người thức giấc và lo lắng, có khi là lo lắng thái quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Đã quen với những trường hợp cấp cứu như thế này hàng chục năm rồi từ khi mới ra trường và may mắn được làm ở một bệnh viện lớn nhất nhì miền Nam này. Ngày nào cũng vài chục bệnh nhân nặng thập tử nhất sinh cần cấp cứu. Nhờ vậy mà giới bác sĩ chúng tôi luôn có hệ thần kinh thép trong một cơ thể có trái tim nóng bỏng tràn đầy nhiệt huyết.

Xuống xe, tôi lao nhanh vào phòng cấp cứu tại khu cách ly. Bệnh nhân đang thở máy và tạm ổn, cô học trò xử lý cũng tốt đấy chứ. Bộ đồ bảo hiểm cho nhân viên y tế che kín từ đầu đến chân khá khó chịu. Dù là nhân viên ngành y tế nhưng nhiều người cũng sợ lây nhiễm, họ còn cha mẹ, con cái và vợ chồng nữa chứ. Tôi nhớ các đây hơn 20 năm khi mà những ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện, những cuộc mổ cho họ rất khó khăn nào là hội chẩn liên tục, nào là áp dụng triệt để các phương pháp phòng ngừa phơi nhiễm.
Nào là thử test HIV trước khi nhập viện và trước khi phẫu thuật. Thật khó khăn và rắc rối, nhất là khi chọn phẫu thuật viên, phần lớn người nào cũng ngại, họ lo lắng thậm chí còn tị nạnh nhau, con người mà ai chẳng có bản năng sinh tồn, cái chết là nỗi sợ lớn nhất đã bao nhiêu ngàn năm rồi, mặc dù có rất nhiều tôn giáo nói về sự bất tử ai mà chẳng sợ bệnh, ai mà chẳng sợ chết. Nhưng càng về sau tình trạng này giảm dần. Riêng tôi thì tâm niệm ca mổ nào cũng là ca mổ cho bệnh nhân test dương tính với HIV phải rất cẩn thận tránh lây truyền cho mình, tránh lây truyền cho mọi người. Đó là nguyên tắc cơ bản trong phòng chống dịch.
Vấn đề cơ bản là cấp cứu cho bệnh nhân cũng đã tạm ổn, nhưng tiếp theo là nhiều vấn đề khác đang được đặt ra: Đưa bệnh nhân đi đâu bây giờ, làm thế nào cho đúng luật và đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Với tôi, việc cấp cứu bệnh nhân là chuyện bình thường thường ngày ở huyện, mấy chục năm nay rồi có sao đâu? Biết bao nhiêu người được cứu sống, cũng rất nhiều người đã không thoát khỏi lưới hái của tử thần.

Một ngày với một bệnh viện nhỏ như bệnh viện tôi làm chỉ cần có 5 - 6 ca dương tính, một đến 2 ca nặng cần cấp cứu là tóc tôi sẽ bạc thêm mấy phần và gầy đi mấy ký. Trong khi bạn bè tôi làm ở các ngành nghề khác thì người nào cũng nặng thêm vài cân, ăn ngủ lại ngủ ăn mùa giãn cách mà. Các bạn cứ yên tâm, có chúng tôi canh cho sự bình an của mọi người.

Có những lúc tôi muốn tắt điện thoại đi để nghỉ ngơi một chút, để nạp lại năng lượng. Cũng có lúc công việc quá nhiều, quá căng thẳng giữa mùa dịch dã này, tôi cũng muốn đập bỏ cái điện thoại để trở về đời sống thanh bình của ông cha thuở trước. Nhưng rồi lại thôi, còn bao nhiêu bệnh nhân trông chờ vào mình, bao nhiêu nhân viên và gia đình của họ mong mỏi mình dù là một ánh mắt yêu thương hay một lời động viên ân cần trìu mến và thế là tôi lại cầm điện thoại lên mở máy sẵn sàng cho các cuộc gọi đi và chờ đợi các cuộc gọi đến.q