TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâmY tế dự phòng Hà Nội cho biết: Quan niệm cho trẻ ăn trứng trước tiêm cúm không có cơ sở khoa học. Với những trẻ có dị ứng với trứng, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, trẻ vẫn có thể được tiêm vắc xin nhưng sẽ được theo dõi đặc biệt hơn. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã liên hệ với Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương và BV Bạch Mai, trường hợp trẻ bị tiêm có tiền sử dị ứng sẽ được đưa đến tiêm và theo dõi tại 2 bệnh viện này để nếu chẳng may trẻ có phản ứng nặng sẽ được cấp cứu kịp thời. Trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Cha mẹ cũng cần thông báo cho nhân viên y tế nếu trẻ có phản ứng trong những lần tiêm chủng trước đó. Trong từng trường hợp các bác sĩ sẽ xem xét cụ thể tình trạng của bé và quyết định có nên tiêm ngừa hay không. Sau khi tiêm chủng, cha mẹ cần để trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm để các cán bộ y tế theo dõi. Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường. Các bà mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vắc xin, thậm chí còn có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ như nhiễm trùng vùng da sau tiêm. Khi các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao trên 39 độ C, co giật, quấy khóc kéo dài, bú kém, khó thở…. cha mẹ cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.