Điều chỉnh cho sát thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng việc xây dựng biên chế cho các trường hiện chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng...

Kinhtedothi - Cho rằng việc xây dựng biên chế cho các trường hiện chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV), mới đây, các nhà quản lý giáo dục đề xuất: Việc giao chỉ tiêu biên chế cho các trường cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, thực hiện sớm và nên có cả chỉ tiêu cho nhân viên làm công tác chăm sóc trong trường mầm non.

 

Không còn tình trạng thiếu giáo viên

 

Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, biên chế hành chính thuộc sở trong năm học 2013 - 2014 là 163 người. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, đội ngũ GV, nhân viên (NV) tại các huyện không phù hợp về cơ cấu, có trường thừa 12 GV Ngữ văn, song có trường lại thiếu; một số nơi lại thừa NV… Sở đã điều chỉnh bằng nhiều hình thức như vận động tinh giản biên chế, luân chuyển, sắp xếp lại nhiệm vụ…
 
Cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quý Trung
Cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quý Trung
Bà Trần Minh Trang - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) cho biết, đến nay, Hà Nội cơ bản không còn tình trạng thiếu GV, đội ngũ GV các trường tương đối bảo đảm về cơ cấu. Hơn 300 NV dư thừa được chuyển đổi sang công việc phù hợp. "Sau khi mở rộng địa giới hành chính, hầu hết các trường mầm non bán công nông thôn không có NV kế toán và y tế; thiếu 2.500 GV mầm non; 5% GV chưa đạt chuẩn đào tạo; nhiều cán bộ quản lý được bổ nhiệm nhưng chưa là viên chức, gần 26.000 GV ngoài biên chế. Từ việc rà soát, tham mưu của Sở GD&ĐT, hiện nay, toàn bộ GV ngoài biên chế đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước; lộ trình tuyển dụng GV vào biên chế đã được thông qua với mục tiêu 100% GV mầm non trong biên chế vào năm 2015. Điểm đáng chú ý, 5 năm gần đây, việc thực hiện cơ chế chính sách với GV, NV tại hơn 300 trường mầm non bán công nông thôn được chuyển sang loại hình công lập" - bà Trang chia sẻ. Và theo tính toán dự kiến, nhu cầu sử dụng biên chế năm 2014 của khối trường trực thuộc Sở GD&ĐT là 11.672 người, giảm 114 người so với năm 2013.

 

Nên có chỉ tiêu cho “cô chăm sóc”

 

Mặc dù cần giảm 114 biên chế vào năm tới, song để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế giáo dục, các trường lại cần bổ sung biên chế cho một số vị trí việc làm mới và điều chỉnh thời gian giao chỉ tiêu biên chế. Đây chính là "độ vênh" giữa nhu cầu thực và chỉ tiêu khiến các trường không thể chủ động. Bà Trần Minh Trang nhận xét: "Hiện tại, biên chế sự nghiệp của các đơn vị xây dựng vào tháng 6 để chuẩn bị cho năm học mới, nhưng đến tháng 4 năm sau mới được giao chỉ tiêu (thời điểm gần kết thúc năm học). Đây là điều rất bất hợp lý, cần có điều chỉnh cho phù hợp".

 

Bà Trần Minh Trang cho rằng, việc giao chỉ tiêu biên chế cho các nhà trường cần được thực hiện vào tháng 6 hằng năm để các đơn vị có cơ sở lập kế hoạch tuyển dụng, kịp thời bổ sung đội ngũ cho năm học tiếp theo. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, Sở đề xuất bổ sung 3 vị trí việc làm trong trường học, gồm GV tư vấn tâm lý giáo dục ở các trường phổ thông, NV bảo vệ tại trung tâm giáo dục thường xuyên (hiện mới được duyệt biên chế 2 người trong khi thời gian làm việc là 24/24 giờ - không đúng Luật Lao động và không bảo đảm hiệu quả); NV làm công tác chăm sóc trong trường mầm non. Trong 3 đối tượng này, vị trí và chế độ dành cho "cô chăm sóc" ở bậc mầm non có vẻ nhiều "bức xúc" nhất. Bởi ở cấp mầm non, ngoài tổ chức hoạt động giáo dục như ở các cấp học trên, còn phải làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Mà theo quy định hiện tại, NV chăm sóc ở trường mầm non chỉ là NV hợp đồng nên khó tạo được sự gắn bó, chuyên tâm với nghề. Đặc biệt trong trường hợp không may xảy ra sự cố, việc xem xét trách nhiệm của NV nuôi dưỡng rất khó khăn.

 

Đúng là nhìn từ thực tế, nếu không có những chính sách phù hợp cho "cô chăm sóc" trong các trường mầm non nói riêng, cán bộ, GV nói chung, để họ "sống được bằng nghề", thì chưa thể nói đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.