Điều chỉnh lương tối thiểu vùng: Chọn phương án nào?

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 11/7, Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) tổ chức phiên họp hội đồng (lần thứ hai) về phương án tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020.

 PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn
PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn đề nghị mức tăng 7,6% và giảm 8 giờ làm mỗi tuần để người lao động (NLĐ) được cải thiện đời sống.
Xác định rõ mức sống tối thiểu
Trong phiên họp lần thứ nhất của HĐTLQG ngày 14/6, đại diện ba bên đã đưa ra 4 phương án điều chỉnh tiền LTTV năm 2020 với tỉ lệ phần trăm quá chênh lệch nhau. Ông có nhận định gì về các mức đề xuất này?
- Theo tôi, giờ phải xác định rõ mức sống tối thiểu (MSTT) của NLĐ chuẩn xác làm cơ sở cho việc điều chỉnh lương. Trong trường hợp lương hiện nay chưa đảm bảo MSTT thì dứt khoát phải điều chỉnh bởi Nhà nước đã có cam kết và Đảng cũng có nghị quyết nói về việc này. Còn nếu chưa xác định được MSTT mà Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng 3%, Bộ phận kỹ thuật của HĐTLQG 5,2% và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 7,06 và 8,16% là không có cơ sở.
Hơn nữa, nguyên tắc của việc trả lương, đó là tiền lương phải là thu nhập chủ yếu của NLĐ, khoản thu nhập ngoài lương chỉ là một phần nhỏ. Hiện nay, thu nhập ngoài lương rất lớn, thu nhập tiền lương không phải là chủ yếu do chủ sử dụng lao động lách luật, trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Trong 4 phương án đề xuất tiền LTTV 2020 của ba bên đưa ra, ông nghiêng về phương án nào?
- 2 phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (7,06% và 8,16%) có sức thuyết phục tôi hơn cả. Hơn nữa, trong năm 2019, xu hướng tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn cao, trong đó lĩnh vực công nghiệp lên tới hơn 9%, do NLĐ đóng góp một phần.
Khi quan điểm, đường lối của Đảng phát triển kinh tế vì con người thì không có lý do gì sự đóng góp của NLĐ cho tăng trưởng kinh tế lại không được hưởng lợi. Thứ nữa, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm rất lớn nhưng lạm phát vẫn ở mức dưới 4%, làm cho tiền lương thực tế của NLĐ bị giảm đi 1 - 2%.
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long rút tiền lương qua thẻ ATM. Ảnh: Công Hùng
Trong khi giá điện, nước tăng theo kiểu bậc thang, rất cần thiết phải tăng lương để bù vào tiền lương thực tế cho NLĐ. Vì thế, tôi muốn lấy hai phương án đề xuất của Tổng Liên đoàn (7,06% và 8,16%) cộng lại và chia đôi được 7,61%. Với mức điều chỉnh tăng này, may ra mới đảm bảo được mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ.
Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân đề xuất mức LTTV năm 2020 tăng 5 - 5,5% để hài hòa giữa DN và NLĐ, ngoài ra nhiều ý kiến đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi đề nghị Quốc hội không nên thông qua đề xuất tăng giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm bởi cả thế giới đang có xu hướng giảm giờ làm để cải thiện sức khỏe và nâng cao đời sống cho NLĐ.
Ngoài ra, cần giảm giờ làm cho NLĐ ở khu vực DN ngang bằng với những người làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp, từ 48 giờ mỗi tuần còn 40 giờ/tuần. Việc quy định hai mức giờ làm việc khác nhau, trong khi mọi người đều là công dân, đều phải đóng thuế, chỉ khác vị trí làm việc như vậy là không bình đẳng.
Nếu điều chỉnh được giờ làm việc của NLĐ ở khu vực DN xuống còn 40 giờ/tuần thì có thể tăng giờ làm thêm hưởng chế độ lương 150% vào ngày bình thường, ngày Chủ nhật 200% và ngày lễ, Tết 300%. Như vậy, mỗi tuần NLĐ khu vực DN có 40 giờ làm việc.
Trong trường hợp vẫn làm việc 48 giờ/tuần, đương nhiên NLĐ có 32 giờ làm thêm một tháng, 384 giờ làm thêm mỗi năm. Chỉ cần nhân 384 giờ làm thêm với mức lương 150%, thu nhập của NLĐ đã được cải thiện.
Cũng có những ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, đến năm 2020 chúng ta phải lỗi hẹn với NLĐ có mức LTTV đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, như đã nêu trong Nghị quyết số 27?
- Việc điều chỉnh tiền LTTV 2020 thế nào đó là quyền của cơ quan nhà nước. Nhưng nếu cơ quan nhà nước chỉ nghĩ đến người sử dụng lao động mà không quan tâm đến NLĐ thì lòng tin của mấy chục triệu lao động với thể chế chính trị bị giảm sút, đó mới là mất mát lớn. Nhà nước có thể hài hòa giữa hai bên bằng nhiều cách, nhưng dứt khoát phải nỗ lực để LTTV đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Mặt khác, chúng ta chia sẻ với những khó khăn của DN phải cạnh tranh khốc liệt trong khi năng lực còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu không có áp lực thì kinh tế khó thúc đẩy. Vì thế, cần tạo ra áp lực; người sử dụng lao động phải thực hiện tổng hợp các biện pháp như quản trị DN, gắn tiền lương với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của NLĐ... để tạo động lực. Đó mới là nghệ thuật tổ chức.
Xin cảm ơn ông!