Bộ GD&ĐT đã công bố điều chỉnh nội dung dạy học 10 môn học cấp THCS và THPT. Ảnh: Trần Oanh |
Có 10 môn học được Bộ GD&ĐT công bố điều chỉnh nội dung dạy học (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Theo đó, Bộ GD&ĐT tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành. Đồng thời, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Qua tìm hiểu việc điều chỉnh nội dung môn Ngữ văn cho thấy, có nhiều bài Văn học (bài chính, đọc thêm), Tiếng Việt, Tập làm văn, Làm văn được chuyển sang khuyến khích HS tự đọc; một số bài Tiếng Việt tích hợp thành một bài. Môn Toán, có một số nội dung các chương, bài tập được điều chỉnh theo hướng tự học có hướng dẫn, khuyến khích HS tự làm, không dạy, không yêu cầu...
Đa số chuyên gia khi được hỏi đều đồng tình việc Bộ GD&ĐT giảm tải nội dung dạy học. Bởi những năm qua, chương trình GDPT còn nhiều môn học nặng kiến thức, thiếu kỹ năng. Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Hoàng Anh Tuấn có hai con đang học bậc phổ thông, cảm nhận: So sánh với một số chương trình GDPT quốc tế, kiến thức ở lĩnh vực khoa học tự nhiên còn tương đối nặng. Một số môn học mang tính bổ trợ chưa hiệu quả, chưa hướng đến rèn luyện để hình thành những hệ kỹ năng vốn rất cần cho xã hội công nghiệp và hội nhập. Đặc biệt, ngoại ngữ đang là vấn đề lớn đối với HS phổ thông ở Việt Nam...
“Bộ GD&ĐT điều chỉnh nội dung dạy học 10 môn cấp THCS và THPT là cần thiết và kịp thời. Cần thiết ở chỗ, đã đến lúc chúng ta tính toán tổng thể về việc tinh chỉnh chương trình theo hướng phù hợp với mặt bằng chung của GDPT thế giới, tránh quá tải kiến thức ở HS tiểu học và trung học; có thêm thời gian đầu tư cho các môn học, hoạt động vốn cần thiết cho xã hội 4.0... Kịp thời ở chỗ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc dạy - học sẽ chịu nhiều tác động trong năm học này và có thể kéo dài hơn” – ông Hoàng Anh Tuấn phân tích.
Làm rõ hơn việc kiểm tra, đánh giá
Trước đây, những người soạn chương trình GDPT, sách giáo khoa theo quan điểm cũ chỉ chú ý đưa nhiều kiến thức. Không chỉ thế, nhiều kiến thức hàn lâm, giáo viên không đủ thời gian rèn luyện kỹ năng cho HS. Từ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) Nguyễn Tùng Lâm rất hoan nghênh khi lần này Bộ GD&ĐT cắt giảm tương đối nhiều. Như môn Văn, trước đây chương trình yêu cầu HS sáng tác thơ Đường luật thì quá khó, Truyện Kiều có nhiều nội dung hay nhưng giáo viên không có thời gian để giảng giải cho HS nắm được...
Có không ít giáo viên, phụ huynh băn khoăn khi nhiều nội dung điều chỉnh theo hướng “khuyến khích HS tự học”, “khuyến khích HS tự làm”. Bởi lâu nay, những bài học thêm trong chương trình rất ít được HS quan tâm, giờ chuyển sang khuyến khích tự học, tự làm, có thể các em sẽ bỏ qua. Lại có những phụ huynh đặt dấu hỏi về việc Bộ GD&ĐT cắt giảm bài. “Xem sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, tôi thấy Bộ GD&ĐT giảm 3 bài chính thức là Ra–ma buộc tội, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Tựa “Trích diễm thi tập”. Sao Bộ giảm Tựa “Trích diễm thi tập” của TS Hoàng Đức Lương viết lời tựa từ năm Hồng Đức 28 mà không giảm bài “Hồi trống Cổ Thành” trong “Tam quốc diễn nghĩa?” – chị Phùng Mai Hoa, phụ huynh có con vừa học xong lớp 10 nêu vấn đề.
Với việc điều chỉnh nội dung dạy học 10 môn, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, sắp xếp các chủ đề/bài học, phân bổ thời lượng bảo đảm thuận lợi trong việc tổ chức hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá thường xuyên để rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực HS. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị: Với 35 tuần học/1 năm và lượng bài như thế, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục định hướng, chỉ đạo và làm rõ các yêu cầu cho giáo viên rèn kỹ năng HS và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Trong kiểm tra, đánh giá phải làm sao để HS đưa ra được những nhận định của mình, chứ không phải chỉ là học thuộc, suy luận.