Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều quan điểm khác nhau

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (12/6), Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Trong phiên thảo luận tổ về Dự thảo này, một trong những nội dung được quan tâm là đề xuất việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021, với nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra.
Mục đích “đi trước, đón đầu”
Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, có hai phương án được đưa ra, trong đó, cơ quan soạn thảo thể hiện quan điểm chọn phương án 1, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).
 Người lao động làm việc trong một công ty tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề tất yếu, bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số mạnh. Do vậy, việc xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với mục đích “đi trước, đón đầu”. Bởi nếu không chuẩn bị tốt sẽ tạo áp lực gây phản ứng mạnh của người dân.
“Nếu ai đó nói rằng nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ mất cân bằng quỹ BHXH thì không phải hoàn toàn như vậy. Nó có tác động nhưng không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề cân bằng tuổi nghỉ hưu, cân bằng quỹ BHXH chính là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện có xu hướng giảm dần” - ông Lợi bày tỏ.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng, lộ trình tăng tuổi đại biểu cho là hợp lý. Câu chuyện bây giờ không tăng tuổi của phụ nữ mà theo tiến độ hưởng BHXH hiện nay, phụ nữ sẽ về hưu rất sớm và hưởng lương hưu thấp. Do vậy, cũng cần tính toán để đáp ứng yêu cầu của các đối tượng lao động. Nếu tính toán các phương án cho các đối tượng thì càng tốt.
ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện tuổi thọ bình quân của nam là 72, còn nữ là 81. Hiện nay phụ nữ tuổi 55 nhìn rất trẻ và tràn đầy năng động mà phải nghỉ hưu thì đáng tiếc. Theo ĐB nên nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 60, nam 62 là phù hợp; lộ trình tăng tuổi nam - nữ đồng thời cùng một năm.
Phải tính thêm các yếu tố khác
Ở một góc nhìn khác, một số ý kiến khác cho rằng, phương án chưa thuyết phục, sẽ gây xáo trộn đối với thị trường lao động và có ảnh hưởng tiêu cực khác đến mối quan hệ cung cầu lao động.
Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), phải lấy căn cứ của đối tượng bị điều chỉnh mới là cơ sở, khoa học, nếu không có căn cứ một cách triệt để, thuyết phục, chắc sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Vì nếu nhìn thực tiễn của Việt Nam, người phụ nữ vất vả hơn nam giới nhiều trong cả gia đình và xã hội. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì phải tăng dần dần.
Cụ thể, nếu tăng nam lên 62 tuổi thì nữ tăng nhiều nhất là 57 - 58, tăng lên 60 tuổi là không thuyết phục. Nhiều người lao động ở khu vực, khối công việc nặng nhọc sẽ phản ứng. “Cần tính thêm, chia nhỏ các loại đối tượng khác nhau, nếu các cán bộ viên chức Nhà nước có thể lên 60 tuổi thì điều chỉnh bằng luật khác” - ĐB nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc phải đảm bảo quyền lao động và quyền được nghỉ ngơi của người lao động, ĐB Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) lưu ý tới ngành nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, đây là nhóm lao động nặng nhọc, áp lực. Theo ĐB, hiện nay, cả nước có trên 330.000 giáo viên mầm non và gần 400.000 giáo viên tiểu học (bao gồm cả công lập và ngoài công lập), trong khi đó đặc thù công việc ngoài chăm sóc trẻ, còn phải dạy văn hóa nghệ thuật.
“Nếu tính câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên ở những cấp này thì cũng cần quan tâm tới yếu tố tâm sinh lý của người lao động. Vì phần lớn giáo viên mầm non là nữ, trong khi đó tâm lý của các cháu nhỏ thường thích cô giáo trẻ. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu, những cô giáo lớn tuổi vẫn phải nhảy múa, dạy các cháu thì có còn phù hợp? Theo tôi, đối với đối tượng này cần phải đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, để họ có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm mà vẫn được đảm bảo các chế độ” - ĐB nói.
Nhiều ĐB khác cũng có quan điểm, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu cũng cần phải tương đồng đối với các luật khác vì đây là một đạo luật lớn, tác động đến sự phát triển của xã hội trong hiện tại và tương lai nên cần nghiên cữu kỹ trước khi ban hành.
 Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tuyên truyền rõ để tạo sự đồng thuận

Về việc tăng tuổi nghỉ hưu, nếu lấy ý kiến của người lao động thì đa số không đồng tình. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới như Nga có tới 90% người lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính sách tăng tuổi nghỉ hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì thế rất cần phải lấy ý kiến để xem xét có giải pháp, xử lý, giảm tác động tiêu cực đối với người lao động.

Nghị quyết 28 của T.Ư đã nêu rõ quan điểm về tăng tuổi nghỉ hưu là giải bài toán thiếu hụt lao động trong tương lai khi già hóa dân số. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu nhưng băn khoăn nhất là lao động trực tiếp và một số ngành nghề đặc thù thì phải có lộ trình tăng chậm, chính sách linh hoạt, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong đó có bảo hiểm xã hội. Mặt khác, bên cạnh việc đưa ra thảo luận lấy ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tổ chức tuyên truyền cho mọi người hiểu để tạo sự đồng thuận. (Thủy Trúc ghi)


 TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH: Hai phương án đều có nhược điểm cơ bản

Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng tăng như thế nào là vấn đề không dễ. Phương án 1 (tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ) có ưu điểm hơn phương án 2 (tăng 4 tháng với nam, 6 tháng với nữ) vì không gây quá sốc đối với thị trường việc làm và người lao động.

Tuy nhiên, cả 2 phương án này có nhược điểm cơ bản là chưa dựa trên một cuộc điều tra quy mô lớn người lao động trong các ngành nghề khác nhau và người sử dụng lao động. Việc quy định một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc trường hợp mất sức lao động được quyền nghỉ hưu sớm không quá 5 năm (nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi) thực ra là có mức tăng rất sốc đối với họ so với quy định hiện hành (nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi) trong khi đa số muốn nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện nay.

Để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu khả thi, từ nay đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội cần phải lấy ý kiến rộng rãi người lao động và chủ DN để có phương án tăng phù hợp. Tôi cũng ủng hộ ý kiến cho rằng, tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ luật Lao động chỉ áp dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đối với công chức thực hiện theo quy định trong Luật Công chức, viên chức áp dụng trong Luật Viên chức sẽ dễ xử lý hơn. (Oanh Trần ghi)