Giá tăng bất thường
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải bị đình trệ, nên xảy ra tình trạng thiếu hụt, tăng giá nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất VLXD.
Việc điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu VLXD được kỳ vọng sẽ sớm giúp cho thị trường bình ổn. |
Trong khi đó, sản xuất và tiêu thụ VLXD trong nước giảm so với trước dịch bệnh Covid-19, chỉ số giá xây dựng tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do tăng giá VLXD đầu vào, như giá thép xây dựng tăng 30 - 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường); nhựa đường tăng 9 - 10%; giá xi măng tăng 3 - 5%...
“Lượng VLXD tiêu thụ giảm mạnh do công trình xây dựng ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, thiếu vốn lưu động, kho chứa sản phẩm, nguyên vật liệu sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong khi chi phí cho công nhân thực hiện, giá thành sản phẩm cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp” - đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Điều chỉnh để thúc đẩy sản xuất
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong đó có một số sản phẩm thuộc nhóm VLXD được điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu.
Cụ thể, thuế xuất khẩu đối với một số VLXD (cát tự nhiên đã hoặc chưa nhuộm màu, trừ cát chứa kim loại; đá hoa, đá vôi, cát oxit silic và cát thạch anh…) chịu mức thuế suất chịu thuế xuất khẩu 10%, loại khác là 30%).
Đối với một số loại đá xây dựng, như đá hoa (marble), đá travertine, ecaussine, đá vôi, đá granit, pocfia, bazan, và đá khác để làm tượng đài hay xây dựng... đã thành khối hoặc tấm hình chữ nhật hiện có mức thuế là 0 - 3% sẽ điều chỉnh tăng lên thành 17 - 30% theo lộ trình đến năm 2024. Bên cạnh đó, đá cuội, sỏi, đá đã vỡ hoặc nghiền để làm cốt bê tông, rải đường sẽ áp dụng mức thuế từ 20 - 30% theo từng giai đoạn…
Ngoài ra, để góp phần hạ giá thép trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp giảm chi phí, qua rà soát các biểu thuế nhập khẩu MFN và hiện trạng phát triển của ngành thép, Nghị định 101/2021/NĐ-CP cũng điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm, với mức giảm 5 - 10%.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, thời gian gần đây không chỉ nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán VLXD tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo lắng khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
“Trước bối cảnh như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, trong đó có một số loại nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD sẽ góp phần quan trọng để bình ổn giá VLXD, và tác động tích cực đến quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp xây dựng” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nhìn nhận.
"Áp lực lạm phát trong năm 2022 sẽ lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng. Xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới, trong nước. Trước bối cảnh đó, việc rà soát mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với những mặt hàng này để có sự điều chỉnh phù hợp. Qua đó, cùng với giải pháp chính sách khác góp phần kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, tiêu dùng trong nước". Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn |