Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng để công tác xây dựng đi vào nền nếp hơn. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý triển khai thí điểm “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện” tại Hà Nội đã hóa giải vướng mắc “vượt luật”, tạo sự đồng nhất khi kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng.
|
Cưỡng chế vi phạm xây dựng trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thế Sơn |
Ở khu vực nội thành, sai phạm cũ của nhiều dự án chưa xử lý triệt để đã phát sinh vi phạm mới. Đơn cử, dự án Capitaland - Hoàng Thành tại Lô CT-08, Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland - Hoàng Thành làm chủ đầu tư, tăng số lượng căn hộ từ 992 căn lên 1.478 căn nhưng chưa nộp bổ sung phí xây dựng. Hay, khu nhà ở cao tầng Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn tổ chức thi công xây dựng sai nội dung GPXD. Chuyển phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1 thành siêu thị. Tầng kỹ thuật 1 (giữa tầng 2 và 3) chuyển đổi thành văn phòng làm việc, tầng kỹ thuật 2 (giữa tầng 11 và 12) chuyển đổi thành căn hộ… làm số lượng căn hộ tăng thêm 64 căn.
Trong khi đó, vùng ngoại thành, những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đê điều tại Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh… cũng diễn biến phức tạp. Thậm chí, nhiều người dân còn khẳng định rằng, để xây dựng được nhà trên đất này, cần “đi đêm” từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sau khi “bôi trơn” có thể tiến hành xây nhà trái phép vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Một TTXD (xin giấu tên) cho biết, trước đây, lực lượng kiểm tra, xử lý nhà xây dựng không phép tại các phường gồm cán bộ địa chính - xây dựng và 2 TTXD quận phụ trách địa bàn phường. Tuy nhiên, sau khi tách TTXD về Sở Xây dựng quản lý, công việc này chỉ do một cán bộ địa chính - xây dựng phường đảm nhiệm. Khối lượng công việc của cán bộ địa chính - xây dựng phường lớn, nên khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ xây dựng không phép. Đội Trật tự đô thị thì không có chức năng kiểm tra nên việc phát hiện công trình xây dựng vi phạm còn hạn chế.
Điều phối bám sát cơ sởĐể giải quyết bất cập, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 26/2013/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã đồng ý thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp quận, huyện tại Hà Nội với điều kiện không trái với quy định các luật liên quan.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, Hà Nội cần phân cấp quản lý xây dựng rõ ràng. Cơ quan nào cấp phép, cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo giấy phép. Tại cơ sở, với công trình do quận cấp phép, TTXD phường phải sát sao, vào cuộc ngay khi xác định công trình không phép. “Còn những dự án quan trọng do TP cấp phép, TP có trách nhiệm thanh, kiểm tra. Ở Mỹ không cần bộ máy TTXD mà dùng dịch vụ thanh tra. Chính phủ muốn kiểm tra một công trình họ cấp giấy phép sẽ gọi cho công ty dịch vụ TTXD. Đơn vị dịch vụ được uỷ quyền từ cơ quan chủ quản nên theo dõi rất sát sao. Họ thực hiện theo cơ chế dịch vụ, rất hiếm xảy ra trường hợp biến tướng. Hà Nội có thể áp dụng mô hình này để bảo đảm sự minh bạch. Song song, khi cấp GPXD thu luôn một khoản phí thanh tra để thuê dịch vụ TTXD” – ông Liêm cho hay.
Đồng quan điểm, các chuyên gia xây dựng khác cho rằng, đề xuất chuyển TTXD về địa phương là giải pháp tốt để bám sát cơ sở hơn, hạn chế vi phạm xây dựng. Thực tế, GPXD do quận, huyện cấp chiếm số lượng lớn nhưng lực lượng kiểm tra mỏng. Theo quy chế, UBND cấp phường có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình xây dựng không phép. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý công trình xây dựng sai phép. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở trong phối hợp, dẫn đến số vụ vi phạm tăng cao.
Theo Luật Thanh tra, lực lượng TTXD chỉ được tổ chức ở 2 cấp là cấp T.Ư và cấp tỉnh. UBND TP Hà Nội đề xuất đưa TTXD về quận - huyện nhưng vẫn đảm bảo thanh tra 2 cấp, có nghĩa tính toán lại quy chế cho phù hợp với phân công nhiệm vụ của Sở Xây dựng và địa bàn. Theo đó, biên chế của TTXD thuộc sở sẽ giảm, chuyển biên chế này về cho các quận, huyện. Lực lượng chuyển về quận, huyện tuy mặc áo trật tự đô thị và không gọi là Thanh tra sở nữa nhưng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng.
“TP Hà Nội ngoài việc quản lý chung hoạt động của TTXD còn cần đào tạo đội ngũ thanh, kiểm tra. Soạn thảo những quy chế sổ tay để phân công nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền phường, quận. Đồng thời, đào tạo công tác cấp phép xây dựng cho các thanh tra cấp quận” – KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị.