Điều chuyển xe để đóng bến Lương Yên: Lo ngại bỏ bến mới chạy “dù”

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm hiện tại, đại đa số DN vận tải khai thác Bến xe Lương Yên trước đây đã đưa phương tiện về hoạt động tại các bến xe: Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DN chưa ký hợp đồng hoặc đã ký nhưng không đưa xe vào hoạt động tại các bến này.

Khởi đầu mới khó khăn

Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Hoàng Hà là một thương hiệu nổi tiếng kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Lương Yên - Thái Bình trước đây. Xe của Công ty được điều chuyển về bến Gia Lâm, được coi là thuận lợi nhất vì nằm gần bến Lương Yên cũ, tuy nhiên việc kinh doanh vẫn khó tránh khỏi xáo trộn, giảm sút khiến DN băn khoăn, lo lắng. Nhân viên điều hành tại bến Gia Lâm của công ty Phan Văn Thuận cho biết: “Do xe mới về bến, chưa quen khách, lượng khách từ bến cũ theo xe về đây cũng không nhiều nên tình hình kinh doanh chưa được như ý”. Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN, phương tiện được điều chuyển về bến mới sau khi đóng cửa bến Lương Yên. Một số DN chuyển về bến Nước Ngầm cho biết, họ mong mỏi có thêm nhiều tuyến xe buýt kết nối với bến này để có điều kiện thu hút hành khách.
Xe Hoàng Hà chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình đang dần ổn định hoạt động tại Bến xe Gia Lâm.	Ảnh: Ngọc Hải
Xe Hoàng Hà chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình đang dần ổn định hoạt động tại Bến xe Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Hải
Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Đức Vui trao đổi: “Chúng tôi đã cố hết sức tạo điều kiện cho các xe từ bến Lương Yên chuyển về. Tuy nhiên có một số vấn đề khó chưa có hướng giải quyết”. Cụ thể, nhiều DN xin mở văn phòng điều hành tại bến hoặc điểm bán vé riêng nhưng do diện tích bến chật hẹp nên chưa thể đáp ứng. Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, hiện một số DN đang xin điều chỉnh giờ chạy, lộ trình để phù hợp với đầu bến mới. Cá biệt cũng có một số DN chạy trên tuyến Yên Nghĩa - Hải Phòng cho rằng mật độ xe quá dày đặc, gây ảnh hưởng đến doanh thu. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn công tác tuyên truyền của TP về việc đóng bến Lương Yên và điều chuyển các tuyến sẽ tiếp tục được duy trì để thông tin đến được với Nhân dân, hành khách.

Ký hợp đồng nhưng không vào bến

Ông Vui cho biết, tất cả 13 DN trong diện điều chuyển về bến xe này đều đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, có một vài xe của DN nhỏ thường xuyên bỏ bến không rõ lý do vì sao: “Lượng xe này rất ít, vẫn ký hợp đồng, đóng lệ phí nhưng lại rất ít khi vào đón trả khách”. Tương tự, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập khẳng định: “Hiện vẫn còn 5 DN với 7 phương tiện chưa ký hợp đồng với chúng tôi. Ngoài ra có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm - Kiến Xương (Thái Bình) có ký hợp đồng nhưng xe không vào bến”. Điều này làm phát sinh lo ngại tình trạng các xe bỏ bến ra chạy “dù” bên ngoài.

Theo Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện các xe từ bến Lương Yên cũ bỏ ra chạy “dù”. Tuy nhiên, Sở sẽ yêu cầu Thanh tra GTVT tăng cường tuần tra, kiểm soát, kết hợp tuyên truyền vận động để sớm ổn định tình hình. Phó Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết: “Hiện, công tác tuần tra, kiểm soát quanh khu vực bến Lương Yên cũ vẫn được duy trì đều đặn nhưng chưa phát hiện xe vi phạm chạy sai lộ trình, chạy “dù” bỏ bến”. Đồng thời khẳng định nếu có sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này.

Một vấn đề mà cả DN và hành khách đều rất quan tâm hiện nay là tình trạng thiếu các tuyến xe buýt kết nối giữa 3 bến xe mới với nội thành Hà Nội, đặc biệt khu vực bến Lương Yên cũ. Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất: “TP nên cho mở thêm hoặc kéo dài một số tuyến buýt đến Bến xe Nước Ngầm để tiện cho hành khách đi - đến bến”.