Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều đặc biệt từ Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ đạo phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tinh thần bảo vệ môi trường.

Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 36 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp lần này dự kiến kéo dài từ ngày 12 - 16/8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương Văn phòng Quốc hội phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tinh thần bảo vệ môi trường

Các phiên họp không còn việc sử dụng chai nhựa
Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 5 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Nhóm vấn đề thứ hai là tiến hành giám sát các nội dung gồm tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018" để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Nhóm vấn đề thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nên chưa đưa ra phiên họp lần này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Nhấn mạnh những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, đặc biệt là thành phần dự họp để tham gia nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.
Đáng chú ý, ngay sau phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ đạo phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tinh thần bảo vệ môi trường. Qua đó, từ nay Quốc hội sẽ hạn chế sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không còn việc sử dụng chai nhựa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo tại Phiên họp

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kiểm toán
Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải thông tin: Về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Ủy ban TCNS thống nhất việc bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, việc bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật sẽ chưa thể bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để KTNN triển khai thực hiện, vì phải sửa các Luật có liên quan hoặc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, theo giải trình của KTNN, việc ký thông tư liên tịch để tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan trong phòng chống tham nhũng, việc xử phạt vi phạm hành chỉnh để xử lý vi phạm của các cá nhân không phải là công chức, viên chức nên thực tế chưa phát sinh nhiều trong hoạt động kiểm toán, và có thể xử lý thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nội dung này khi sửa đổi các luật liên quan (Luật Ban hành VBQPPL, Luật Xử lý vi phạm hành chính). Vối với quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN như dự thảo Luật là quá rộng và chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác và chưa cụ thể để thực hiện. Vì vậy, Ủy ban TCNS thống nhất với KTNN về việc đề nghị bỏ, không bổ sung vào Luật thẩm quyền của KTNN trong giám định tư pháp.
Trong khi đó, KTNN cho rằng những nội dung đề xuất sửa đổi Luật KTNN liên quan các Luật khác là để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động kiểm toán; cùng với việc đề nghị sửa đổi Luật KTNN thì KTNN đã kịp thời bám sát kế hoạch sửa đổi các luật liên quan có văn bản đề nghị sửa đổi để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo Luật về các nội dung liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về xử phạt vi phạm hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh những kết quả hoạt động mà KTNN đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những bất cập, vướng mắc của ngành kiểm toán trong thực tiễn hiện nay.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, đến thời điểm này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước gần như hoàn thiện, do đó, cần thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Cụ thể vào một số vấn đề như khi có sự chồng chéo giữa cơ quan Thanh tra và cơ quan Kiểm toán thì ai sẽ là người điều hòa, điều hòa như thế nào, thẩm quyền trách nhiệm ra sao để hai cơ quan cùng phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao? Do đó, Luật cần quy định rất rõ về vấn đề này để đảm bảo không vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Toàn cảnh phiên họp
Bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019
Tiếp theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait.
Cụ thể, tổng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait là 225.000 USD. Khoản viện trợ dự kiến phân bổ cho tỉnh Hà Tĩnh là 125.000 USD; tỉnh Quảng Bình là 100.000 USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 21/2/2018, nhà tài trợ đã chuyển 100% số tiền viện trợ cam kết cho ngân sách trung ương là 225.000 USD. Tuy nhiên, việc chuyển khoản tiền này cho 02 tỉnh sử dụng chưa thực hiện được vì chưa được bổ sung dự toán.

Đây là khoản viện trợ dùng để khắc phục hậu quả thiên tai cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình nói chung, không hỗ trợ cho chương trình, dự án cụ thể.
Theo đánh giá của Ủy ban TCNS, tổng số tiền viện trợ không hoàn lại 225.000 USD của Chính phủ Cô-Oét đã được chuyển vào ngân sách trung ương từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán NSNN năm 2019. Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng như vậy là rất chậm, trong khi việc khắc phục hậu quả thiên tai cho các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là hết sức cần thiết và cấp bách.
Do đó, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và báo cáo rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước khi để xảy ra việc chậm phân bổ khi giao dự toán ngân sách năm 2019 cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để khắc phục hậu quả do thiên tai.