Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều hành CPI không còn chạy theo GDP

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước, trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015.

Từ các thông tin trên, có thể nhận diện CPI 2016 dưới những góc độ sau. Thứ nhất, CPI không cao “ngất ngưởng”, lặp đi lặp lại và kéo dài như bình quân năm trong thời kỳ 2004 - 2013. Điều đó chứng tỏ tư duy “không chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP”, để rồi tăng trưởng GDP không đạt được mục tiêu, mà lạm phát cũng thường cao hơn mục tiêu cùng những bất ổn vĩ mô khác. Thứ hai, CPI không quá thấp như bình quân năm thời kỳ 2014 - 2015. Kết quả này cho thấy, việc điều hành giá cả thị trường đã không bị rơi vào tình trạng “từ cực đoan này sang cực đoan khác”. Thứ ba, CPI năm 2016 đã không vượt quá mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, song đã chứng tỏ tư duy điều hành về giá cả đã chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát”. Thứ tư, trong năm qua, CPI tăng như trên do nhiều yếu tố.
 Ảnh minh họa
Trong đó, yếu tố quan trọng là giá nhập khẩu tính bằng USD năm thứ 5 liên tiếp giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lại thâm chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, càng làm cho tổng cung giảm. Trong khi tổng cầu tăng lên, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) tăng thấp hơn năm trước. CPI tăng cao hơn năm trước, nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn đạt thực dương sau nhiều tháng, nên tốc độ tăng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn khá cao, có tác động hút tiền từ thị trường trở lại các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng được thực hiện ngay từ đầu năm (chứ không dồn vào cuối năm) như những năm trước; lãi suất cho vay được chỉ đạo giảm xuống... để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế cao lên qua các quý... Thứ năm, mục tiêu năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội là CPI bình quân tăng khoảng 4%. CPI bình quân được tính bằng cách bình quân năm nay so với bình quân năm trước (năm trước bằng 100%), theo đó tốc độ tăng CPI bình quân năm 2017 cao hơn năm 2016 chứ không thấp hơn.
Từ những phân tích trên cho thấy kiểm soát lạm phát năm 2017 đứng trước những thách thức không nhỏ khi mà giá hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt giá xăng dầu. Giá nhập khẩu có thể bị tăng kép do giá USD trên thế giới được dự báo là tiếp tục tăng (USD-Index hiện đã vượt mốc 102 điểm) trong khi tỷ giá VND/USD được dự báo tăng cao hơn năm 2016. Hiện còn 27 tỉnh/thành chưa thực hiện lộ trình giá thị trường trong năm 2016 mà thực hiện tiếp trong năm 2017... Cần lưu ý là năm 2017 có điều chỉnh tiền lương từ giữa năm... Do vậy không chủ quan với lạm phát năm 2017.