KTĐT - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, do có nhiều dự báo khác nhau về tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm nên các phương án điều hành giá cần linh hoạt, bao giờ cũng có phương án dự phòng, trong tình huống xấu nhất khi giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.
Nhiều kịch bản điều hành giá
Ông Thỏa cũng cho biết: "Trong điều hành Chính phủ có nhiều phương án, trong đó vẫn có phương án 7% và nếu tăng trưởng nhích lên thì có thể là 8%. Việc không cố định mục tiêu CPI ở một con số cố định sẽ giúp các cơ quan quản lý linh hoạt và có nhiều phương án hơn trong điều hành.
Nhiều dự báo khả quan rằng, 6 tháng cuối năm, kinh tế phát triển thì giá các nguyên, nhiên vật liệu cũng nhích lên. Tuy nhiên, cũng có những dự báo cho rằng khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, nhất là Hy Lạp, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới nên nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu sẽ không tăng cao lắm và giá cả cũng có thể dịu lại, không có đột biến xảy ra. Đó là hai luồng dự báo trái ngược nhau. Vì vậy, trong các phương án điều hành của Bộ Tài chính, của các Bộ cũng như Chính phủ đều có các phương án linh hoạt, nhưng bao giờ cũng có phương án dự phòng tình huống xấu nhất. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá... thì công tác kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành về giá, về thuế cũng sẽ được tăng cường.
Tránh việc doanh nghiệplách luật, tăng giá
Vị đại diện Cục Quản lý giá cũng thừa nhận, hiện đang có những bất cập trong quản lý giá. Biểu hiện rõ nhất là ở việc giá sữa liên tục tăng thời gian qua. Cụ thể, theo quy định trong Thông tư 104/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 75/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Giá thìdoanh nghiệp có 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước phải thực hiện đăng ký giá song hầu hết các doanh nghiệp này đều không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong vốn điều lệ cao như vậy. "Như vậy chúng ta không thể kiểm soát được"- ông Thỏa nói. Trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ trong tâm của Cục là sẽ phải sửa Thông tư 104. Hiện nay về cơ bản, đã hoàn thành việc sửa đổi điều kiện bình ổn giá, chế tài khi các doanh nghiệp vi phạm và về đăng ký giá, kê khai giá để tạo điều kiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp kinh doanh trên đất Việt Nam hoặc mọi thành phần kinh tế đều phải bình đẳng trước pháp luật về đăng ký, kê khai giá. Còn đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trên đất VN cũng phải chấp hành kỷ luật về giá theo quy định của Pháp lệnh Giá.
Cục trưởng Cục Quản Lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, mặt hàng thuốc đang thực hiện kê khai giá. Hiện nay, dưới sự chủ trì của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đang phối hợp tốt việc kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc. Những biến động về giá thuốc vừa qua không phải là "câu chuyện" của kê khai giá thuốc mà liên quan đến rất nhiều vấn đề, cơ chế quản lý đấu thầu, đấu giá, cơ chế quản lý và đạo đức hành nghề của bác sỹ.