Tham dự họp báo có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Công an và Ngân hàng Nhà nước.
PV: Xin Liên Bộ-Công Thương-Tài chính cho biết: Vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ vì mức chiết khấu thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ mở cửa bán nhỏ giọt để không bị phạt. Xin liên Bộ cho biết nguyên nhân của sự việc và giải pháp cho vấn đề này?
Quy định doanh nghiệp là đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ mua được nguồn hàng từ một đầu mối hoặc từ một thương nhân phân phối gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều về việc gây khó khăn cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung bị "đứt gãy"? Xin liên Bộ cho biết ý kiến về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trước hết chúng tôi cũng nhắc lại là vai trò chính của Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính có 2 việc rất quan trọng, một là bảo đảm nguồn cung về xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta làm khá tốt, bảo đảm đủ nguồn cung trong bối cảnh cả thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm nguồn cung về xăng, dầu.
Thứ hai là Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao, rất rõ là phải bám sát vào giá của thị trường thế giới, phải sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu một cách linh hoạt. Vì vậy, hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam theo kỳ điều hành gần nhất ngày 21/9, giá các loại xăng tương đương với giá tháng 7/2021, với giá dầu thì giá dầu F0 (Mazut) tương đương với mức giá tháng 4/2021, dầu DO (diezen) tương đương với tháng 3/2022, tức là khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: Lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam).Thứ hai là của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Lợi ích thứ 3 là chúng ta phải nhìn tổng thể về kinh tế vĩ mô, ví dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP.
Vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, liên Bộ Công Thương-Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên Trần Vương về các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua.
Đúng là có việc mức chiết khấu được thoả thuận khi nguồn cung xăng dầu dồi dào hoặc giá thế giới có xu hướng giảm. Với việc điều hành rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm giá xăng dầu. Nếu có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu đi. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu được hiện nay và thời gian vừa qua có việc mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp có 2 lý do như sau:
Thứ nhất, từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước.
Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu, tuy nhiên sang quý III, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn, với giá cao, sau đó thì giá xăng dầu trong nước được điều hành bám sát theo xu hướng thế giới, giảm liên tục. Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối. Đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ 2 là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, ví dụ chi phí vận tải, vận chuyển, chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính, đơn vị phụ trách về các giá của mặt hàng này công bố điều chỉnh trong giá cơ sở do Nhà nước điều hành, và để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đầu vào buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.
Về góc độ của Bộ Công Thương, chúng tôi đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ, ngày 23/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc xem xét quyết định các chi phí hợp lý như thế này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, và cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, đơn vị liên quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp liên quan trong kinh doanh xăng dầu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong chức năng thẩm quyền của mình để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Kinh tế xã hội phát triển nhanh, mạnh, ấn tượng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết: Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã xem xét, thảo luận về: tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm và thời gian tới.
Về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ, các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng, đặc biệt là GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cũng đều đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 9,97% và 9,69%.
Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực, như: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018-2021. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Kim ngạch XNK đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm. Cung cấp đủ điện, xăng dầu. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Tình hình đăng ký DN khởi sắc, số DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163 nghìn, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui.
Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.
An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856 nghìn người sử dụng lao động theo các nghị quyết của Chính phủ). Tình hình lao động chuyển biến tích cực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.
Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình KTXH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Những kết quả đạt được nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro. Việc triển khai các CTMTQG, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn;...
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ "Những kết quả đạt được là rất tích cực và đáng mừng, song chúng ta không được lơ là, chủ quan; không say sưa với những gì đạt được vì trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, phải xử lý".
10 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Thủ tướng đã chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
(1) triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục nhanh, bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế, xử lý tốt các vấn đề tồn tại, phát sinh.
(2) Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(3) Kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp kịp thời, phù hợp ứng phó những diễn biến mới phát sinh.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát tiến độ thực hiện của các dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún.
Về chương trình phục hồi và phát triển KTXH, cần đẩy mạnh hơn nữa trong triển khai hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình. Về 3 chương trình MTQG, cần khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy nhanh phân bổ, giao kế hoạch vốn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
(5) Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
(6) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm chất lượng. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
(7) Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học-công nghệ. Đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, xã hội.
(8) Theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai, bão lũ, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
(9) Giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
(10) Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo đảm công tác an toàn, an ninh mạng, phòng chống thông tin xấu độc.