Điều hành xuất khẩu gạo: Còn thiếu tính chuyên nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự kiến tổng sản lượng năm 2009 cả nước sẽ đạt 38,9 triệu tấn thóc, vượt qua 2008, năm được coi là sản xuất lúa gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

KTĐT - Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự kiến tổng sản lượng năm 2009 cả nước sẽ đạt 38,9 triệu tấn thóc, vượt qua 2008, năm được coi là sản xuất lúa gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 10/2009, chúng ta đã xuất khẩu được 5,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,173 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đến thời điểm này đạt 6,041 triệu tấn, đạt mức cao nhất kể từ khi Việt Nam có gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo, hiện, giá gạo XK (cùng chủng loại) của Việt Nam đang thua kém khá xa so với gạo Thái Lan.

Giá lúa gạo sụt giảm do chính sách điều hành

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự kiến tổng sản lượng năm 2009 cả nước sẽ đạt 38,9 triệu tấn thóc, vượt qua 2008, năm được coi là sản xuất lúa gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay. “Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao tiêu thụ được lúa hàng hóa cho người nông dân song vẫn đảm bảo cho họ có lãi 30% như chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra” – ông đưa ra tình huống.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì, giá gạo xuất khẩu (XK) Thái Lan cùng chủng loại với gạo Việt Nam đã cách nhau 140 USD/tấn. Giá thóc ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan hơn 30%. Tháng 6/2008, giá gạo XK của Thái Lan hơn giá gạo ở Việt Nam là 12%, nhưng cho đến thời điểm hiện tại khoảng cách này đã là hơn 20%. Lý giải cho khoảng cách ngày càng lớn trên, ông Cung cho rằng: “Hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến số lượng XK; trong khi đó, cái đáng quan tâm nhất là lợi ích của người nông dân sẽ được bao nhiêu trong số đó thì chưa ai nắm bắt được”.

Ông Phạm Văn Bền - Phó Giám đốc công ty cổ phần Tháp Sơn, Đồng Tháp cũng đưa ra một thực tế: “Trong 2 năm trở lại đây cứ sau vụ Đông Xuân là giá lúa gạo lại rớt thê thảm, điều này trước kia chưa từng xảy ra. Giá lúa gạo từ đỉnh cao lại sụt giảm trầm trọng và nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn khiến nhiều doanh nghiệp gặp “tai nạn” vì chính sách điều hành XK gạo”. Ông cho rằng, chi phí của người nông dân cho đầu vào sản xuất lúa gạo hiện nay là rất lớn, chiếm từ 70-75%, do vậy, việc áp dụng giá sàn thu mua trong thời gian dài là không hợp lý. Giá đầu vào thường xuyên tăng dẫn đến chi phí để sản xuất cũng tăng theo, việc áp dụng giá sàn thu mua để đảm bảo cho người nông dân có lãi 30% trở lên là hợp lý, song mức giá phải được điều chỉnh linh hoạt theo thời vụ.“Với cách điều hành như hiện nay, thiệt hại lớn nhất và cuối cùng vẫn là người nông dân” - ông Bền nói.

Nên xây dựng hệ thống thông tin tự động về XK lúa gạo

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung, giá lúa gạo XK của chúng ta xuống thấp như thời gian vừa qua là do việc điều tiết của VFA có vấn đề, cứng nhắc, không linh hoạt, còn áp dụng mệnh lệnh hành chính, thiếu thông tin đối với DN nhỏ và người nông dân. Xuất khẩu gạo vẫn chưa thực sự là một cuộc chơi bình đẳng. Trong thời gian tới, phải tiến tới công khai minh bạch, để người nông dân có tiếng nói, phải bảo đảm lợi ích thiết thực cho người nông dân chứ không phải bảo đảm trên lý thuyết.“Vấn đề an ninh lương thực (ANLT) là mục tiêu lâu dài, vì vậy phải tách bạch giữa XK gạo và ANLT, nếu không sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi vấn đề này trong XK gạo. ANLT lâu nay đang bị mang tiếng oan, chúng ta nên tách bạch vấn đề này và đặt nó trong chiến lược quốc gia”. Ông Cung nhận định.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung phân tích, XK gạo ngoài mục đích thương mại còn làm sao để người nông dân cảm thấy gắn bó với nghề trồng lúa, tự hào về cây lúa. Chúng ta không thể tự bằng lòng với vị trí thứ 2, không thể mãi chỉ giành Huy chương bạc trong XK lúa gạo khi chúng ta có thừa tiềm năng và điều kiện. Kho bãi không phải là vấn đề lớn, chúng ta có thể xây dựng được, hay giống lúa chúng ta cũng có thể đầu tư cải tiến, cái quan trọng là chúng ta phải biết tham khảo phương pháp và cách làm của các nước tiến tiến, rồi linh hoạt vận dụng.

Bởi vậy, trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta nên xây dựng hệ thống thông tin tự động về XK lúa gạo, để người nông dân nắm bắt được tín hiệu, thông tin về thị trường và điều chỉnh việc sản xuất. Không những thế, các DN cũng căn cứ vào thông tin thị trường, nguồn cung lúa gạo để chủ động lên kế hoạch XK. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần