Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều kiện đăng ký thường trú khi thuê nhà: Làm sao cho hợp tình, hợp lý?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm tới việc TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần 2 vào dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Theo đánh giá, đây là một chính sách mang tính nhân văn, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Hà Nội đề xuất yêu cầu tối thiểu 15m2-người mới được đăng ký thường trú. Ảnh Tuấn Anh
Hà Nội đề xuất yêu cầu tối thiểu 15m2-người mới được đăng ký thường trú.
Ảnh Tuấn Anh

Còn những băn khoăn
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở được công bố vào đầu năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8,5 triệu người đang sinh sống, trong đó gần 1 triệu nhân khẩu là những người ngoại tỉnh đã thực hiện đăng ký tạm trú, chưa kể một lượng lớn người dân địa phương khác không sinh sống, nhưng lại đang sở hữu nhà ở Hà Nội.

Tuy nhiên, con số này chỉ là thống kê trên cơ sở các gia đình có hộ khẩu thường trú và thực hiện đăng ký tạm trú. Có lẽ, thực tế dân số trên địa bàn Hà Nội lớn hơn rất nhiều.

Các nhà điều tra xã hội học cho rằng, mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm từ 200.000 – 250.000 người, đáng chú ý gần một nửa là người nhập cư. Thực trạng nêu trên đã đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp đối với chính quyền đô thị của Thủ đô, như: Áp lực hạ tầng giao thông, an sinh xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự... Nếu không kiểm soát tốt, theo đà phát triển như hiện nay, tình trạng này sẽ gây áp lực ngày càng lớn trên mọi lĩnh vực.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý dân cư, căn cứ theo Luật Cư trú năm 2020 và Luật Thủ đô, tại dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, lấy ý kiến góp ý lần thứ 2, UBND TP Hà Nội đã đề xuất quy định tối thiểu 15m2 đối với 12 quận nội thành và khu vực ngoại thành là 8m2. Sau khi đề xuất được đưa ra, có nhiều ý kiến nêu ra xoay quanh về vấn đề này, trong đó có ủng hộ và cả chưa đồng tình.

Anh Lê Văn Nam (quê Hà Nam) đang thuê nhà tại tổ 29 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình có 4 người đang thuê một phòng trọ rộng 20m2. Vợ chồng anh đã sinh sống ở Hà Nội được gần 6 năm và đang làm thuê tại một công ty in ấn công nghiệp.

"Sắp tới, con tôi đã đến tuổi đi học, nếu yêu cầu tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú thì việc xin học cho con tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu đi ra ngoại thành thuê nhà, chúng tôi sẽ phải đi làm xa, việc đưa đón, chăm sóc con nhỏ cũng không đơn giản” – anh Lê Văn Nam chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đề xuất của UBND TP như vậy là hơi ngược so với thực tế, bởi khu vực ngoại thành nơi dân cư ít hơn và điều kiện về đất đai còn lớn hơn khu vực nội thành, nhưng lại chỉ yêu cầu diện tích tối thiểu 8m2.

“Biết rằng quy định như vậy nhằm hạn chế lượng người tập trung đông ở khu vực nội thành, nơi đã có lượng dân cư đông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang bị quá tải. Nhưng tôi cho rằng, khu vực ngoại thành yêu cầu tối thiểu 8m2/người là chưa phù hợp. Vì ngoại thành vẫn còn điều kiện về diện tích chỗ ở tốt hơn nội thành” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS
Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Chú trọng kiện toàn hạ tầng cho thuê
Theo Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, quy định về chỗ ở hợp pháp để được đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ là đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

 

Việc đặt ra hạn mức diện tích nhà thuê tối thiểu tại nội thành để đăng ký thường trú là hàng rào kỹ thuật cần thiết để kiểm soát gia tăng dân số cơ học. Điều này cũng nằm trong thẩm quyền của HĐND TP. Tuy nhiên, UBND TP cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, kỹ càng và có báo cáo giải trình với HĐND TP cơ sở thực tiễn và khoa học về mức tối thiểu từ 8 - 15m2 sàn/người.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh -
Chuyên gia pháp lý về đầu tư – bất động sản

Trong khi đó, dự thảo mà UBND TP Hà Nội lại đề xuất khu vực nội thành phải đáp ứng điều kiện 15m2/người. Tuy nhiên, Luật Thủ đô lại quy định điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội, kèm theo điều kiện về thời gian liên tục tạm trú và được sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân, tổ chức có nhà cho thuê, mượn.

“Quy định của TP Hà Nội cao hơn so với quy định chung của Luật Cư trú là không sai, vì Luật Thủ đô đã mở cho Hà Nội có quy định riêng về quản lý dân cư để hạn chế việc di dân tự phát vào nội thành trước tình trạng quá tải về hạ tầng. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, HĐND TP xây dựng quy định về điều kiện đăng ký thường trú là đúng quy định, cần thiết. Chúng ta cần chia sẻ với Thủ đô về vấn đề này, nhưng đây là vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, nên TP Hà Nội phải đánh giá kỹ tác động của quy định và làm rõ căn cứ để đưa ra điều kiện như vậy” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn ĐB tỉnh Đồng Tháp) cho hay.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, mục đích của TP Hà Nội đưa ra quy định này nhằm giảm tải quy mô dân số ở khu vực nội thành, ảnh hưởng đến hạ tầng. Hà Nội có Luật Thủ đô riêng, nhưng Luật Cư trú cho phép công dân Việt Nam có quyền tự do về nơi ở và quy định về việc đăng ký thường trú khi đủ điều kiện nơi ở là 8m2/người.

“Nhưng theo tôi vấn đề cốt lõi ở đây không phải là quy định tối thiểu 8m2 hay 15m2. Vì thực tế Việt Nam chúng ta còn nghèo, trong khi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới họ còn cho phép diện tích thấp hơn 8m2. Vì vậy không nhất thiết chúng ta phải quy định về diện tích tối thiểu về nơi ở trên bình quân đầu người như thế, mà hãy tập trung vào chất lượng hạ tầng cho nơi ở đó để phục vụ người dân” – KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Phân tích sâu hơn, KTS Phạm Thanh Tùng chỉ ra bất cập, hạn chế của công tác quản lý đô thị liên quan đến chất lượng công trình ở những khu nhà trọ cho thuê. Như hàng loạt vụ cháy nhà trọ tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai... thời gian gần đây không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người dân thuê trọ.

Nhưng phía cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa thực sự chú tâm vào vấn đề này, thiếu quy định về tiêu chuẩn chất lượng nhà ở; đồng thời việc kiểm tra, xử lý đối với chủ kinh doanh nhà trọ không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, nước sạch... vẫn còn lỏng lẻo, nên đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc xảy ra.

“Vấn đề quan trọng nhất ở đây là phải có quy định về chất lượng của những công trình nhà trọ, hướng trách nhiệm vào người kinh doanh nhà trọ, chứ không phải đưa ra một mệnh lệnh hành chính để áp vào người đi thuê trọ, bởi những người phải đi thuê nhà ở đang gặp nhiều khó khăn. Hà Nội với vai trò là Thủ đô cần phải tiên phong trong vấn đề này, khi làm tốt rồi nếu muốn nâng quy định diện tích tối thiểu lên bao nhiêu, thậm chí vượt khung quy định mà được Quốc hội thông qua thì việc triển khai thực hiện cũng sẽ thuận lợi hơn” – KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.

 

Quy định về diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú tại
Hà Nội đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết, do nhu cầu ngày càng gia tăng. Đồng thời, tránh tình trạng nhiều hộ, nhiều người chung hộ khẩu tại 1 địa chỉ, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng việc quy định diện tích tối thiểu cần phải căn cứ vào điều kiện sống thực tế của người lao động nhập cư thu nhập thấp, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Đoàn Luật sư TP Hà Nội