Phác đồ điều trị theo quy định
Viện Sức khỏe tâm thần có chức năng điều trị chung về sức khỏe tâm thần. Hiện nay, Viện gồm 9 phòng, trong đó có Phòng M7 Rối loạn sử dụng chất, hành vi và giấc ngủ. TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng M7 Rối loạn sử dụng chất, hành vi và giấc ngủ cho biết: Phòng M7 điều trị nghiện chất ma túy và rối loạn giấc ngủ nhưng điều trị nội trú thì rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng ma túy là chính. Từ đầu năm đến giữa tháng 10/2022, Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận 155 người bệnh điều trị về nghiện chất, trong đó có 10 ca cai nghiện ma túy và 145 ca còn lại là các rối loạn tâm thần do chất ma túy nói chung.
Người bệnh rối loạn tâm thần do chất ma túy được điều trị theo phác đồ cụ thể theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp” (Quyết định số 2058/QĐ-BYT ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế), thời gian từ 7 – 12 ngày. Nếu người bệnh sử dụng chất dạng AMPHETAMINE (ma túy đá, thuốc lắc) thì phác đồ điều trị theo Quyết định 786/QĐ-BYT ngày 1/3/2019 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng AMPHETAMINE. Đối với những người bệnh liên quan đến các chất nhóm Opioid (heroin) thì được điều trị theo hướng dẫn khác của Bộ Y tế.
“Chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế đồng thời dựa vào tình trạng người bệnh để chỉnh liều. Tùy từng tình trạng bệnh, người bệnh được điều trị bằng hóa dược (thuốc), liệu pháp tâm lý, điều biến não. Điều biến não là dùng dòng điện kích thích vào não người bệnh, thường là 10 phiên được thực hiện trong 2 tuần (phương pháp cụ thể Viện đang dùng là kích thích từ xuyên sọ). Tất nhiên, phương pháp điều trị này phải theo đúng chỉ định của bác sĩ và được người bệnh đồng ý; khi được kết hợp với thuốc thì tình hình bệnh của người bệnh tiến triển tốt hơn” – bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho hay.
Thông thường, điều trị cai nghiện ma túy gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là cắt cơn ban đầu, thường cần khoảng 2 tuần, được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Sau đó là điều trị chống tái, giảm thèm nhớ; được thực hiện ngoài cộng đồng. Nếu người bệnh tuân thủ tốt thì sau khi xuất viện họ vẫn đến Viện khám định kỳ, điều trị tâm lý theo yêu cầu của bác sĩ trị liệu. Việc điều trị tâm lý đối với người bệnh ở Viện thì không gặp trở ngại nhưng với những người ở xa thì rất khó khăn khi hàng tuần phải bố trí công việc và đi đoạn đường dài. Đây là vấn đề Viện Sức khỏe tâm thần đang vướng phải hiện nay.
Điều trị tốt là người bệnh sớm quay trở lại
Theo thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần, những người bệnh đến Viện là thanh niên thì mới bị rối loạn tâm thần do chất ma túy. Còn có những trường hợp sử dụng chất ma túy thời gian dài, đến Viện trong tình trạng nặng, bị loạn thần hoặc rối loạn, cảm xúc, trầm cảm rất rõ. Với những trường hợp thứ nhất, bác sĩ Phòng M7 thường điều trị rối loạn tâm thần kèm theo tư vấn tâm lý, cho họ biết tác hại của chất gây nghiện để ngừng sử dụng. Trường hợp thứ hai được bác sĩ điều trị và cố gắng tránh tối đa việc tái sử dụng chất ma túy.
Nghiện ma túy là bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỷ lệ tái nghiện tương đối cao. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho rằng, điều trị tốt là người bệnh quay trở lại Viện sớm; nghĩa là lần này người bệnh bị loạn thần đến Viện trong tình trạng nặng nhưng lần sau người đó đến thì loạn thần nhẹ hơn; lần sau nữa khi họ có nguy cơ thì được người nhà đưa đến hoặc bản thân người bệnh tự đến Viện để điều trị kịp thời.
“Đã có trường hợp nghiện heroin khi đến Viện điều trị đã ngưng sử dụng chất ma túy được 5 – 7 năm. Thế rồi, có lần anh ta gọi cho tôi và nói rằng ở đây điều trị nghiện rất tốt và mong bác sĩ chữa trị cho bạn của mình” - bác sĩ Thu Hà nói. Đồng thời cho biết, cùng với việc được điều trị tốt, khi người bệnh ra Viện rất cần có sự hỗ trợ tốt từ phía gia đình, được tạo việc làm, không kỳ thị, là động lực để họ hòa nhập cuộc sống.
Để nâng cao hiệu quả điều trị rối loạn tâm thần do chất ma túy và nghiện ma túy, Viện Sức khỏe tâm thần tăng cường chất lượng điều trị, bằng các giải pháp: Điều trị hóa dược, liệu pháp tâm lý, điều biến não. Cùng với đó, phát triển hệ thống tâm lý và điều biến não. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân chưa hiểu vai trò của trị liệu tâm lý nên rất cần tuyên truyền để mọi người nắm rõ. Bởi khi sử dụng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý giúp cho người bệnh biết cách từ chối dùng ma túy, tạo ra thời khóa biểu để làm theo nó và không có thời gian nghĩ đến ma túy.
Hiện nay, chất gây nghiện ma túy có ở trong một số sản phẩm là đồ ăn, thức uống, có thể mọi người dùng mà không biết hoặc bị trộn vào không hay. Đơn cử, mới đây có 4 - 5 người ăn chocolate phải vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị. Kết quả khám nghiệm cho thấy, trong chocolate có chất gây nghiện cần sa trộn lẫn trong đó, rất nguy hiểm cho người dùng…
Vì thế, bác sĩ Lê Thị Thu Hà khuyến cáo mọi người, nhất là các bạn trẻ cần phải cảnh giác và luôn tìm hiểu những thứ đồ mình sử dụng để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi đi mua hàng, cần đọc kỹ những thông tin thành phần ghi trên vỏ bao bì. Trường hợp trên vỏ bao bì không ghi thông tin, sản phẩm có giá cao bất thường thì người mua hàng cũng phải cảnh giác.