Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ lại có ý kiến chỉ đạo quan trọng về công tác phòng cháy, chữa cháy ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2023.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.
Theo đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), năm 2022, cả nước đã xảy ra hơn 1.700 vụ cháy, làm chết hơn 110 người, chưa kể hàng nghìn sự cố liên quan đến cháy, nổ mà người dân và lực lượng tại chỗ tự giải quyết, khắc phục.
Cũng theo ông Khương, mặc dù số vụ cháy giảm, nhưng mức độ thiệt hại nghiêm trọng lại tăng, có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng về người như vụ cháy quán karaoke ở Bắc Từ Liêm, làm chết 23 người, trong đó 3 chiến sĩ đã hy sinh, hay vụ cháy ở quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm chết 32 người…
Tại Hà Nội, đại tá Phan Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an TP cho biết, tình hình cháy nổ cũng diễn biến phức tạp. Năm 2022, toàn TP xảy ra 386 vụ, có trên 10 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra còn có trên 1.999 vụ liên quan đến cháy nổ mà người dân và lực lượng tại chỗ tự khắc phục, xử lý.
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà các đơn vị, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Đặc biệt, công điện yêu cầu tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu hộ cứu nạn (CNCH) vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trẻ trong xã hội.
Đây là một yêu cầu bức thiết, vì trong thực tế, đa phần các vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước là liên quan đến các sự cố về điện, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 70%, tiếp đến là các nguồn lửa khác như đốt vàng mã, thắp hương, sưởi ấm, sinh hoạt… Địa điểm xảy ra các vụ cháy thường là các hộ gia đình, các địa điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, karaoke, nhà hàng, vũ trường, trung tâm thương mại…
Một điều đáng chú ý là các đám cháy xảy ra tại các hộ gia đình thường là kết hợp sản xuất, buôn bán, kho tập kết hàng hóa. Nói cách khác, đa phần nguyên nhân các vụ cháy đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hộ dân… Như vậy, có thể nói với việc ý thức, kỹ năng của mọi tầng lớp Nhân dân về công tác PCCC được nâng cao thì đã là sự hạn chế hữu hiệu nhất để không xảy ra hỏa hoạn cùng những hậu quả thương tâm do cháy nổ gây ra. Có vẻ như là lý thuyết, nhưng có một điều vẫn cần phải nhắc lại.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là thời điểm thời tiết hanh khô, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cũng như các hoạt động liên hoan, vui chơi, họp mặt gia tăng, cũng đồng nghĩa với sự gia tăng về nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng, tự giác và chủ động chấp hành các quy định về PCCC là trách nhiệm của mỗi người dân và cũng là để đất nước đón Xuân, vui Tết an lành.