Nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất cùng nghệ thuật quân sự tài tình, quân và dân Thủ đô đã biến 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trở thành những giờ phút kinh hoàng của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Từ cuộc dạo chơi “ác mộng”Sau những thất bại liên tiếp của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam, để cứu vãn tình thế và tạo thuận lợi cho việc áp đặt những yêu sách phi lý đối với Việt Nam trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cuối tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B52 hòng hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn trọng yếu khác. Đây là bước leo thang quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh chống phá miền Bắc. Nắm được bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, ngay từ khi chúng tiến hành “Chiến tranh cục bộ” những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư Đảng đã nhận định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
|
Du khách tham quan triển lãm kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không được trưng bày tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
Từ tháng 4/1972, Mỹ đã cho B52 đánh phá Thanh Hóa, Hải Phòng. Phán đoán được ý đồ của địch, T.Ư xác định: Phải chủ động, tích cực chuẩn bị hơn nữa để đánh thắng B52 khi chúng tiến công Hà Nội. Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu cũng đã chỉ đạo gấp rút việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch, xác định phương án tác chiến, biên soạn tài liệu huấn luyện cho bộ đội đánh B52, bảo vệ Hà Nội.
19 giờ 40 phút (giờ Hà Nội) ngày 18/12/1972, đợt B52 đầu tiên của Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội, cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 của Mỹ mang mật danh Linebacker II bắt đầu. Chỉ 4 phút sau khi B52 trút bom, Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ) đã phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên, mở màn trận Điện Biên Phủ trên không. Có nằm mơ, phi công Mỹ vốn được khích lệ “bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10.000m, đối phương không thể với tới, chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ”, cũng không thể ngờ phải nhận thất bại thảm hại. Những chiếc Mig 21 thoắt ẩn thoắt hiện cùng lưới lửa phòng không dày đặc thực sự là nỗi ám ảnh không bao giờ quên với B52 - pháo đài bay được coi là bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ.
Đến chiến thắng toàn diệnSau rất nhiều năm, có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới đã tập trung phân tích, đánh giá về chiến dịch này; đặc biệt là nghiên cứu về nghệ thuật tác chiến phòng không. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra là bằng cách gì, làm thế nào mà lực lượng phòng không Bắc Việt Nam chỉ có trong tay các loại súng, pháo, tên lửa SAM2 và máy bay MiG lại có thể bắn trúng, bắn rơi nhiều B52 của Mỹ.
Trong chiến dịch Phòng không năm 1972, mặc dù đế quốc Mỹ huy động lực lượng không quân với nhiều loại máy bay hiện đại và số lượng lớn máy bay B52, thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, ném hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc, trong đó có hơn 10.000 tấn bom xuống Hà Nội, nhưng vẫn không khuất phục được ý chí, quyết tâm sắt đá, tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo của quân và dân miền Bắc. Chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu, với lực lượng PKKQ làm nòng cốt, bộ đội Tên lửa, bộ đội Không quân là chủ lực, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay chiến lược B52 (chiếm hơn 17,6% trong số 193 máy bay B52 mà đế quốc Mỹ huy động vào cuộc tập kích). Hòa trong chiến công chung đó, quân và dân Thủ đô đã góp phần xuất sắc nhất: Bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B52 và 2 chiếc máy bay F111A. Thất bại đau đớn đó đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, sau đó buộc rút quân ra khỏi Việt Nam.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không mãi mãi là niềm tự hào của cả nước, trực tiếp là của quân, dân Hà Nội và lực lượng PKKQ. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này để lại nhiều bài học quý, có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. Trong đó, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng PKKQ là một trong những bài học nổi bật, cần tiếp tục được nghiên cứu, quán triệt, vận dụng: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong tình hình mới.