Đĩnh đạc bước ra thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đơn vị luyện tập chuẩn bị diễu binh chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Anh Quý

Đĩnh đạc bước ra thế giới - Ảnh 1
Chưa bao giờ vị thế của Việt Nam lại lên cao như thế, với những bước đi đầy đĩnh đạc để hội nhập với thế giới. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV - ảnh) đã khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị như vậy và cho rằng, nếu chúng ta đủ tự tin, biết “chắt chiu” cơ hội, chắc chắn đất nước sẽ còn có những bước phát triển vượt bậc.

Là người trong cuộc, từ thành công của Cách mạng Tháng Tám, qua những cuộc kháng chiến, đấu tranh gian khổ đến giai đoạn đổi mới, ông có cảm nhận gì về hình ảnh đất nước hiện nay?

- Điều này phải kể ngọn nguồn một chút. Năm 1945, tôi đang học Thành Chung, qua học thức trong chế độ thực dân, cũng hiểu được ít nhiều về khát vọng tự do, độc lập của người dân bị mất nước. Thế rồi những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục đã đưa đến không chỉ cho lứa thanh niên chúng tôi mà cho cả dân tộc cơ hội ngàn vàng được độc lập, tự chủ, mở ra kỷ nguyên mới của cách mạng.

Đất nước ta đã đi qua 4 cuộc chiến tranh là chống Pháp, chống Mỹ, Tây Nam, biên giới phía Bắc. Biết bao gian khổ, biết bao mất mát, đau thương để giành độc lập, giành tự do. Thế mới thấy ngày 19/8/1945 càng ý nghĩa và quý giá biết bao, mới thêm quyết tâm, thậm chí hy sinh tất cả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Sau 40 năm hòa bình, nhưng đất nước chưa thực sự một ngày bình yên. Đó không chỉ là chiến tranh biên giới nơi hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống mà còn âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, rồi bị cấm vận o ép, sự trì trệ của bộ máy chậm đổi mới, đến đổ vỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Những điều đó tác động, ảnh hưởng ghê gớm đối với Việt Nam. Rất may chúng ta đã đứng vững, nhất là Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định “Đổi mới hay là chết” và tạo nên tiền đề cho những bước đột phá thần kỳ.
Sau 30 năm nhìn lại, không phải nói quá, thấy cơ đồ đất nước thật tuyệt vời. Đất nước đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, hơn hết là vẫn giữ được độc lập, tự do, chính trị ổn định, cuộc sống bình yên. Nhiều Tổng thống, Thủ tướng các nước khi sang thăm nước ta có thể thảnh thơi đi dạo trong khung cảnh yên bình của Hồ Gươm. Hình ảnh đó ở nước ngoài hiếm lắm. Nhưng Việt Nam đã làm được, đã tạo được niềm tin cho bạn bè quốc tế. Đúng là so với các nước, đất nước ta phát triển kinh tế chưa bằng được, nhưng sự ổn định chính trị, an ninh đảm bảo lại rất tốt - lợi thế, sức hấp dẫn lớn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch.
Đi đâu cũng thấy diện mạo hoàn toàn khác hẳn, khang trang, hiện đại. Năm 1982, tôi sang Liên Xô, thấy những công trình hoành tráng được xây dựng để phục vụ Olympic, cứ ao ước không biết 40 năm nữa, nước ta sẽ có như vậy. Thực tế, bây giờ ta đã có rất nhiều công trình hiện đại, tầm cỡ không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở rất nhiều tỉnh, thành khác. Vui lắm, tự hào lắm chứ.
Đĩnh đạc bước ra thế giới - Ảnh 2
Kinhtedothi - Các đơn vị luyện tập chuẩn bị diễu binh chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Anh Quý
Việt Nam đang trên đường phát triển, nhưng vẫn chậm so với nhiều nước. Ông có cho rằng việc nói quá nhiều đến kết quả sẽ dẫn đến tự mãn, tự ru ngủ mình?

- Người ta thường hay so sánh Việt Nam với Singapore, Hàn Quốc về tốc độ phát triển. So sánh là tốt, nhưng cũng phải nhìn nhận cho chính xác, đánh giá tổng thể, chứ nhiều khi tự mình làm tự ti mình đi. Bởi hàng chục năm qua, họ có bị chiến tranh tàn phá không, có phải giải quyết những hậu quả nặng nề từ chiến tranh mà đến giờ còn chưa dứt, có phải đương đầu với cấm vận như mình không?

Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn ấy, mở cửa bước ra biển lớn đầy đĩnh đạc. Chưa bao giờ vị thế của đất nước lại lên cao như hiện nay. Chúng ta hút được những lực tích cực về phía mình để giữ vững, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự tự tin của các nhà lãnh đạo đất nước thể hiện rõ khi được bạn bè, nguyên thủ các nước kính nể, không chỉ ở Đông Nam Á, châu Á mà còn cả thế giới nữa. Chúng ta hài lòng với kết quả, nhưng không thỏa mãn, không ru ngủ trong thành tích. Nếu công tác quản lý điều hành tốt hơn, những tồn tại, hạn chế được khắc phục hiệu quả thì vị thế Việt Nam chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Theo ông, giai đoạn tới, chúng ta phải làm gì để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế?

- Mặc dù hiện tại vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công về nhìn nhận thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nếu chúng ta biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học, để xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn thách thức (nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công rẻ, nhiều nước sẵn sàng chuyển giao công nghệ mới...), nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, tận dụng, tranh thủ được thời cơ... chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường đổi mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã  hội. Kinh tế mạnh, đất nước yên bình sẽ là “bà đỡ” cho công tác đối ngoại thành công hơn.

Ngoài ra, lãnh thổ chúng ta 3/4 là biển nên đây vừa nguồn tài nguyên quý giá, vừa là phên dậu quan trọng của đất nước. Với ý đồ khác nhau của một số nước, biển đảo của chúng ta đang bị gây khó khăn ghê gớm. Chúng ta không muốn đối đầu với ai, nhưng kẻ nào có ý đồ xấu, chúng ta cần phải biết và nếu bất kỳ ai muốn động vào tấc đất, vào lãnh thổ thì tinh thần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân ta sẽ được khơi dậy. Đảng sẽ đi đầu, cùng toàn dân đứng lên giữ vững chủ quyền đất nước.

Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cực kỳ khó khăn vì không có điểm đứng vững chắc như trên đất liền, trong khi có bao nhiêu ý đồ đen tối đang nhòm ngó. Mới đây, tôi may mắn được ra Trường Sa, thấy khang trang hơn trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Vì vậy, chúng ta phải chú trọng hơn nữa để đầu tư, bảo vệ biển. Ngày trước, hậu phương dồn sức cho miền Nam ruột thịt và tôi cho rằng bây giờ cả nước nên dồn sức cho biển. Với 90 triệu dân, 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng đồng lòng, nhất định chúng ta sẽ làm được.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần