Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dinh dưỡng học đường vô cùng quan trọng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh Việt Nam đang đối mặt với cả hai vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ khẩu phần ăn ở cả gia đình và nhiều cơ sở giáo dục hiện hầu như chỉ được kiểm soát bằng cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học dinh dưỡng.

Giáo viên và phụ huynh một số trường học tại quận Cầu Giấy kiểm tra kho bảo quản rua củ quả của Công ty Hương Việt Sinh. Ảnh: Nhật Nguyên
Trẻ thiếu nhiều vi chất
Tại hội thảo khoa học “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em” do Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Hương Việt Sinh tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nêu lên thực trạng đáng báo động về dinh dưỡng học đường của trẻ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, các nghiên cứu trong vài thập kỷ gần đây cho thấy, khẩu phần ăn của trẻ bất hợp lý, trẻ thiếu canxi, ảnh hưởng chiều cao và sự phát triển thể chất. “Trẻ em độ tuổi 6 - 14 không đạt được nhu cầu khuyến nghị về chất đạm, sắt, vitamin A, vitamin B1 và vitamin C. Lượng chất khoáng trong khẩu phần ăn còn thấp, đặc biệt là canxi chỉ đạt 28,8% và sắt cũng chỉ đạt 74,3% so với nhu cầu khuyến nghị” – PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.
Theo TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Cùng với đó, bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và THCS nước ta dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa.
 Rau sạch trồng trong nhà lưới của Công ty Hương Việt Sinh
Liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng và khẩu phần ăn của trẻ, PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chế độ ăn cần quan tâm đến bữa ăn học đường, tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông giáo dục và phòng chống suy dinh dưỡng ở vùng nông thôn và thừa cân béo phì tại thành thị cần được đẩy mạnh nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc cho học sinh.
Xây dựng thực đơn hợp lý theo mùa
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng bữa ăn học đường đóng vai trò rất quan trọng.
 Sản xuất bún sạch tại Công ty Hương Việt Sinh
Trước thực tế đáng báo động về bữa ăn học đường hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các can thiệp ưu tiên và giải pháp đặc thù cho từng vùng để giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay trong giai đoạn này. “Biến thực đơn bữa ăn học đường thành một công cụ giáo dục về dinh dưỡng và ATTP cho trẻ em, phụ huynh học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để cùng khuyến khích, hỗ trợ nhau thực hiện” – bà Mai nói.
 Cà chua trồng trong nhà lưới
Cũng tại buổi hội thảo này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã giới thiệu bộ thực đơn theo từng mùa được Viện phối hợp với Công ty TNHH Hương Việt Sinh xây dựng. Bộ thực đơn phù hợp với nhu cầu của trẻ 6 - 14 tuổi, sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương đảm bảo đa dạng và ATTP, đồng thời đưa ra nhiều cách chế biến khác nhau đảm bảo tính hài hòa giữa các món ăn.
Được biết, Bộ thực đơn theo mùa sẽ được Công ty TNHH Hương Việt Sinh triển khai rộng rãi tại các trường Tiểu học và THCS mà công ty cung cấp bữa ăn từ năm học 2019 - 2020.