Hà Nội: định mức mới áp dụng cho 22 loại hình hoạt động cấp cứu ngoại viện
Kinhtedothi - Ngày 14/7, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định pháp quy số 41/2025/QĐ-UBND về định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện.
Theo Quyết định, định mức mới áp dụng cho 22 loại hình hoạt động cấp cứu ngoại viện, bao gồm: hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện hội nghị (khi được yêu cầu); cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh gồm 7 định mức; cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh gồm 7 định mức; xe cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh gồm 7 định mức được tính theo khoảng cách.
Cùng đó, TP quy định định mức về nhân công, định mức sử dụng thuốc - vật tư, định mức máy móc - trang thiết bị, định mức chi phí gián tiếp, tích lũy.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở y tế công lập thuộc TP Hà Nội quản lý có chức năng nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện hoặc được phân công bởi cấp có thẩm quyền và các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trung tâm Cấp cứu 115 cấp cứu cho người bệnh.
Trước đó, theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành các quyết định quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, tuy nhiên hiện nay chưa ban hành giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Bên cạnh đó, hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị cũng chưa được quy định mức giá. Thời gian qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức sự kiện, hội nghị vẫn sẵn sàng đáp ứng và làm tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao nhưng chưa có mức giá thu để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện.
Ngành y tế Hà Nội hiện nay có 61 đơn vị trực thuộc gồm: 42 bệnh viện; 11 cơ sở trợ giúp xã hội; Chi cục Dân số, Trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; cơ quan Văn phòng Sở; 5 trung tâm chuyên khoa (Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội; Trung tâm Pháp y Hà Nội; Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP).
Trong đó, chỉ có Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội được giao nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu ngoại viện - cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Hiện nay, đơn vị thực hiện thu dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoại viện theo quy định tại Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND TP quy định giá dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Theo UBND TP Hà Nội, việc quy định mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ thanh toán là cần thiết, đảm bảo nguồn thu cho đơn vị hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Hà Nội: 11 cơ sở cấp cứu ngoại viện được phép hoạt động
Kinhtedothi - Tính đến tháng 10/2024, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 11 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu trong nước và ra nước ngoài (nay là cơ sở cấp cứu ngoại viện) với tổng số xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh là 32 xe.

Bệnh viện E cấp cứu ngoại viện kịp thời cho ca bệnh nặng đầu tiên
Kinhtedothi - Ngày 8/11, Bệnh viện E thông tin, đơn vị đã cấp cứu ngoại viện cho người bệnh đầu tiên, sau khi Bệnh viện E phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 triển khai chương trình cấp cứu ngoại viện bắt đầu từ ngày 1/11/2023.

Từ ngày 1/11, Bệnh viện E chính thức tham gia cấp cứu ngoại viện
Kinhtedothi - Ngày 1/11, Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, trụ sở đặt tại khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc, Bệnh viện E.