Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hình khung năng lực cạnh tranh cho môi giới bất động sản

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2022, ngày 25/6, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội môi giới BĐS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Định hình khung năng lực cạnh tranh cho sàn giao dịch, nhà môi giới BĐS Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho biết, sau giai đoạn "ngủ đông" vì đại dịch, nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng đang hồi phục theo những xu hướng hoàn toàn mới mẻ. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn lao, trong tình hình mới, mỗi doanh nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

“Với mong muốn được góp phần vào việc tạo đà cho ngành BĐS khôi phục và nhanh chóng đạt được sự phát triển vượt bậc, hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các sự kiện tiêu biểu của “Ngày hội Môi giới BĐS Việt Nam 2022”, sẽ trả lời những câu hỏi trọng yếu về thị trường BĐS nói chung, hoạt động môi giới BĐS nói riêng. Ngành môi giới đang chuyển đổi số như thế nào? Làm thế nào để chuyển đổi số thực sự hiệu quả? Cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sàn giao dịch và các nhà môi giới BĐS trong tình hình mới?” - ông Nguyễn Chí Thanh nói.

Trình bày tham luận về định hình khung năng lực cạnh tranh cho nhà môi giới BĐS, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Trương Chí Vĩnh cho rằng, ngành BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh, như: Tính minh bạch, chuyên nghiệp, tính hợp tác, bền vững, tính hiệu quả và khả năng đo lường hiệu quả hoạt động...

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, số dân đô thị khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số. Việt Nam có 862 đô thị, dự kiến đến năm 2025 dự báo tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số, với khoảng 1.000 đô thị. Trong đó, ít nhất một siêu đô thị trên 10 triệu dân, 5 đô thị 5 - 10 triệu dân. Dự báo giai đoạn 2050 - 2070 tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70 - 75%.

Trong khi đó, hạ tầng đang trong quá trình được chú trọng đầu tư, dự kiến, giai đoạn 2020 - 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000ha năm 2020 lên 450.000ha năm 2025; Diện tích đất đô thị trung bình 85 - 90 m2/người; Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15 - 20 m2/người; Đường quốc lộ tăng thêm 5.000km; Đường cao tốc tăng  hơn 4 lần, từ  1.163km lên 5.000km và thêm 6 sân bay, 1 cảng biển quốc tế.

“Trước những tác động nêu trên thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá năng động và nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. BĐS được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp, đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng” - ông Trương Chí Vĩnh nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đi sâu vào thảo luận vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS. Theo Giám đốc đào tạo và chuyển đổi số Tinh Vân Group Nguyễn Bảo Trung, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi cách khách hàng tiếp cận với dự án, sản phẩm BĐS; đồng thời, cũng là cơ hội cho doanh nghiệp khi tạo được niềm tin của khách hàng, mở rộng đối tượng, địa bàn kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng tác động không nhỏ đến cách thức giao dịch, mua bán, cho thuê, quản lý... trên cơ sở đó, các giao dịch sẽ được tiến hành trên từng phần nhỏ tài sản và thực hiện bằng hình thức online.

“Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ vào tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp, làm thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại giá trị cho khách hàng, trong đó, bao gồm cả doanh nghiệp BĐS. Nếu giá trị, hiệu quả đem lại đủ lớn thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu” - ông Nguyễn Bảo Trung cho hay.