Định hướng 2 vùng động lực phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030

Vân Hà - Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo định hướng đến năm 2050, có 2 vùng động lực phát triển Thủ đô là tại khu vực Thành phố Bắc sông Hồng với các loại hình dịch vụ chất lượng cao và khu vực Thành phố phía Tây là Thành phố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, sáng 26/4.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, sáng 26/4.

Sáng 26/4, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã trình bày Tờ trình về tình hình triển khai và Đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu

Trình bày Tờ trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đề cương cũng xác định 3 khâu đột phá và 2 vùng động lực phát triển Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình tại Hội nghị
 

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt 36.000 - 40.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, trong 3 khâu đột phá, về thể chế: Cần nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và các thể chế đặc thù, vượt trội để đảm bảo yêu cầu và mục tiêu phát triển Thủ đô “văn hiến- văn minh - hiện đại”; gắn liền với đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các cơ chế, chính sách để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phát triển thông minh. Trong đó, ưu tiên tập trung rà soát, sửa đổi Luật Thủ đô (hiện Thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp để triển khai các bước theo quy định).

Về phát triển hạ tầng, ưu tiên tập trung phát triển nhanh hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ. Cần nghiên cứu đột phá trong xây dựng hạ tầng số để xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số; đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông để tạo sức hút và tính lan tỏa trong phát triển.

Về nhân lực, coi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, hiền tài là nguồn lực cơ bản, mang tính hiệu quả và đột phá nhất. Trong đó, chú trọng các giải pháp thu hút nhân tài từ các nước đến làm việc tại Hà Nội.

Đối với 2 vùng động lực phát triển Thủ đô, qua nghiên cứu bước đầu, các chuyên gia cho rằng việc xác định vùng động lực phát triển Thủ đô giai đoạn tới, có thể là: Vùng động lực tại khu vực Thành phố Bắc sông Hồng, là Thành phố về dịch vụ với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, giáo dục, du lịch, hội thảo... theo hướng thông minh và hội nhập; một phần dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Tập trung phát triển chuỗi đô thị bắc sông Hồng gồm Vĩnh Phúc – Hà Nội (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh - Gia Lâm, gắn với mô hình thành phố trong Thủ đô) - Hưng Yên song song với vành đai động lực Phú Thọ - Thái Nguyên Bắc Giang của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Đây chính là động lực kết nối, lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Vùng động lực khu vực Thành phố phía Tây là Thành phố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo với Khu công nghệ cao Hoà Lạc là hạt nhân.

Đại biểu thảo luận tại tổ 
Đại biểu thảo luận tại tổ 

Đề xuất tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong Luật Thủ đô

Về giải pháp thực hiện quy hoạch, Đề cương đưa ra một số giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Huy động vốn đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; về môi trường, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn...

Theo tờ trình, trong hệ thống các giải pháp nêu trên, các chuyên gia gợi ý rằng cần chú ý đến việc xây dựng thể chế, chính sách, cụ thể là Luật Thủ đô (sửa đổi) để thể chế hóa một cách đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, chỉ đưa vào Luật Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, ưu tiên áp dụng.

Trong đó, thí điểm trước một số cơ chế, chính sách đã có chủ trương tại các nghị quyết của Trung ương. Cụ thể, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô - trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế (Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ).

Trao quyền cho Thủ đô được ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi. Cho phép Thành phố thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch phân khu, phương án kiến trúc, thiết kế quản lý đô thị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù để xây dựng và phát triển đô thị thông minh (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị).

Được quyết định và chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế, về cơ chế chính sách tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Được quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút xã hội hoá đối với các lĩnh vực văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ, vệ sinh môi trường... và các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hoá như: BT, đầu tư sử dụng công, đầu tư công quản lý tư, thuê dịch vụ... (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Bộ Chính trị)...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, để đảm bảo chất lượng và tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, thông qua đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch và các sở, ban, ngành Thành phố triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần