Định hướng học thực chất, toàn diện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề thi có phổ rộng theo độ khó - dễ; từng câu hỏi khống chế thời gian làm; vận dụng kiến thức tổng hợp… là ý kiến nhận xét của đa số tân sinh viên (SV) vừa tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) theo phương thức đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) tổ chức hôm 10 - 11/9.

Đây là năm đầu tiên ĐH QGHN thí điểm áp dụng phương thức thi ĐGNL vào các hệ đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Kỳ thi chỉ có một bài trắc nghiệm duy nhất, gồm phần bắt buộc và tự chọn với tổng số 140 câu, làm trong 195 phút trên máy tính. 

Tránh học lệch, học tủ

Bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt phấn khởi, Dư Anh Quân - SV ngành Khoa học máy tính, ĐH Công nghệ nhận xét: "ĐGNL là hình thức thi hay, phù hợp, đánh giá thí sinh theo nhiều chiều, mang tính tổng hợp. Nội dung đề thi thể hiện tất cả các kiến thức đã học ở bậc THPT, đa phần các câu hỏi không khó, chỉ có một số câu hơi quá sức đối với em". Với Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - SV ngành Sư phạm tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ thì cách thi mới lạ, không chỉ đòi hỏi kiến thức đã thi ở khối D mà tích hợp của nhiều môn học khác, trong đó mảng kiến thức khoa học xã hội rất phong phú. Nếu hình thức thi này được áp dụng rộng cần có thời gian để thí sinh thích ứng, bởi đa phần học theo khối thi, bỏ lửng các môn học khác.

 
Giờ thực hành công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Giờ thực hành công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Khác với mục tiêu của kỳ thi ĐH truyền thống đánh giá kiến thức của học sinh, phương thức thi này ĐGNL của từng SV để định hướng chọn ngành tự nhiên hay xã hội. Trao đổi về phương thức thi, TS Lê Đình Định - Trưởng ban đề thi ĐGLN của ĐH QGHN cho hay: So với đề thi truyền thống, mức độ câu hỏi đề thi của trường yêu cầu rất khác. Bởi thi ĐGNL cho phép SV thử ngay kết quả, nếu thấy đúng là đáp án đúng. Độ khó của đề thi là khống chế về thời gian thay vì độ sâu kiến thức. Nghĩa là, mỗi câu quy định thời gian làm trong vòng 1,5 - 2 phút và chỉ cần làm 2 bước, không đánh đố; trong khi câu khó của đề thi truyền thống cho phép 30 phút - 1 tiếng, các em phải làm 3 - 4 bước kết hợp với nhau.

Đề thi bao quát chương trình phổ thông

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án kỳ thi Quốc gia chung năm 2015, nhiều học sinh và phụ huynh chọn "mục tiêu" vào ĐH QGHN băn khoăn về phương án thi của trường năm tới. Về việc này, PGS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH QGHN cho biết: "Đề án tuyển sinh của ĐHQG dự kiến đến năm 2015 sẽ mở rộng hơn, trực tiếp tuyển thí sinh phổ thông thi vào các chương trình đặc biệt bằng thi ĐGNL. Thế nhưng, nhiều khả năng chúng tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị để đến năm 2015 tổ chức thi độc lập bằng công nghệ áp dụng tuyển sinh cho toàn bộ ĐHQG".

PGS Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, để phương thức thi này diễn ra an toàn và thuận tiện cho thí sinh, sau mỗi buổi thi ĐGNL vừa rồi, nhà trường đều có phiếu thăm dò ý kiến thí sinh để điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung câu hỏi cho bộ đề thi. Những vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức sẽ được xử lý hợp lý hơn. Trường cũng lấy ý kiến của người ra đề, giám thị, quản lý, xét kết quả trúng tuyển để phân tích và hoàn thiện tính đồng bộ của toàn bộ quy trình, đồng thời, điều chỉnh và hoàn thiện phần mềm tổ chức thi. Kỳ thi vừa rồi cũng là dịp để ĐH QGHN rà soát toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi và xây dựng mẫu phòng thi chuẩn cho năm sau. Với việc tổ chức thi tại nhiều điểm trong cả nước, đương nhiên sẽ cần nhiều phòng thi đạt chuẩn. Một vấn đề lớn đang được dư luận quan tâm là Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị triển khai biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới, liệu bộ đề thi của ĐH QGHN có bị ảnh hưởng? TS Lê Đình Định khẳng định: Đề thi của ĐH QGHN bao quát chương trình phổ thông môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo đúng tinh thần đề thi truyền thống của Bộ GD&ĐT. Thật ra, thay đổi trong sách giáo khoa chỉ là trật tự các mục từ lớp dưới lên lớp trên hay ngược lại. ĐH QGHN làm đề thi theo kiểu ma trận không phụ thuộc vào vị trí kiến thức trong chương trình phổ thông nên không bị ảnh hưởng.
Trong 2 ngày (13 - 14/9), ĐH QGHN tổ chức kỳ thi tuyển sinh sau ĐH đợt 2 năm 2014 theo phương thức ĐGNL cho 18 chuyên ngành đào tạo thuộc 2 khối ngành: KHTN và Công nghệ, KHXH&NV. Bài thi ĐGNL thay thế cho môn thi cơ bản của 18 chuyên ngành đào tạo bậc sau ĐH. Đợt thi này có 653 thí sinh thi theo phương thức ĐGNL.