Định hướng không phải là ngăn cấm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa gặp tôi, chị đã phàn nàn: “Không hiểu bọn trẻ bây giờ ra sao nữa. Có khi bố mẹ ốm cả tuần chưa được lời hỏi thăm, nhưng thần tượng chỉ hắt hơi thôi đã thấy chúng xót xa.

Nói thì chúng nó bảo mẹ biết gì”. Tôi cười: “Thì chúng chỉ thần tượng mấy ca sĩ, diễn viên mà chúng thấy yêu thích thôi. Việc này bây giờ cũng nhiều mà”. “Nhưng chị thấy không ổn chút nào. Nếu chỉ là sự ngưỡng mộ tài năng hay hâm mộ bài hát, bộ phim thì thời chị em mình cũng có. Song chị lo chúng rơi vào tình trạng “phát cuồng” như có những chuyện đã xảy ra” - chị băn khoăn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đúng là nhiều bậc phụ huynh đã lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở khi con có thần tượng. Chính các nhà tâm lý, giáo dục cũng cho rằng, các bạn trẻ bộc lộ tình cảm thái quá, tìm mọi cách để tiếp cận thần tượng… là chuyện bất thường. Và sự thái quá ấy một phần do thiếu kỹ năng sống, sự định hình giá trị sống cũng chưa rõ ràng. Nhiều bạn trẻ không xác định được chân dung một thần tượng đúng nghĩa, phần lớn chỉ mới thấy thán phục một yếu tố hoặc đặc điểm nào đó đã cho rằng đó là thần tượng của mình, rồi có những hành động quá khích.

Nhưng định hướng không phải sự áp đặt. Chính bố mẹ và những người đi trước phải rất “khôn khéo” trong chuyện này. Bởi nếu thẳng thắn bài xích, có thể sẽ gặp phản ứng tiêu cực, thậm chí còn đẩy trẻ lún sâu hơn vào sự lệch lạc. Có người đã chia sẻ kinh nghiệm, bố mẹ hãy tham gia cùng con trong các sự kiện có thần tượng để con cảm thấy bố mẹ quan tâm những điều chúng quan tâm. Từ đó, con sẽ chia sẻ với cha mẹ những cảm nhận, suy nghĩ của mình về thần tượng, và phụ huynh cũng dễ định hướng cho con trong vấn đề này. Văn hóa thần tượng, cụm từ ấy cũng đang được xây dựng từ chính những người trẻ tích cực. Nói như một bạn trẻ, để làm “lành mạnh hóa” đời sống văn hóa của giới trẻ thực sự cần có cái nhìn cảm thông và trách nhiệm hơn từ nhiều phía, trong đó có phụ huynh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần