Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hướng phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại nhằm kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô,… là một trong những mục tiêu xây dựng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

TP Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô, đây là cơ hội để các quận huyện có đường Vành đai 4 đi qua đề xuất các định hướng phát triển đột phá nhằm đạt được khát vọng phát triển trong tương lai.

Khẩn trương vào cuộc

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8km đi qua 3 tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng trên địa bàn Hà Nội, đường Vành đai 4 sẽ có khoảng 58,2km đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

Để khẩn trương triển khai dự án, các quận, huyện, sở, ngành của Hà Nội đang tập trung cao độ thực hiện các công việc liên quan. Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã tiến hành bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để những đơn vị và chính quyền các địa phương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa và triển khai công tác GPMB.

Mê Linh là 1 trong 7 quận, huyện của Hà Nội có đường Vành đai 4 đi qua với chiều dài đoạn tuyến 11,2km, tổng diện tích GPMB dự kiến gần 193ha, trong đó có 8,6ha diện tích đất ở, gần 180ha đất nông nghiệp, còn lại là đất khác. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn, tiến hành nhiều công việc như rà soát toàn bộ phần diện tích dự kiến đền bù GPMB.

Triển khai phương án tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, không để xảy ra biến động về đất đai trong phạm vi dự án. Đặc biệt, trước khi có quyết định thu hồi đất, nghiêm cấm cấp quyền sử dụng đất, phân lô tách thửa.

Sa bàn quy hoạch một dự án xây dựng khu đô thị dọc tuyến đường Vành đai 4 tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Sa bàn quy hoạch một dự án xây dựng khu đô thị dọc tuyến đường Vành đai 4 tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

“Hiện huyện đã xác định các vị trí để báo cáo TP về việc đầu tư dự án tái định cư, đảm bảo có được nhanh nhất cơ sở hạ tầng, quỹ đất để phục vụ tái định cư cho người dân” - ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.

Tương tự như Mê Linh, đến thời điểm này, các huyện Sóc Sơn, Thường tín, Thanh Oai và quận Hà Đông đều đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ của đường Vành đai 4 từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Các địa phương đang cùng đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, song song với việc tuyên truyền về dự án, thực hiện GPMB, lên phương án tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân.

Không chỉ các cấp chính quyền tích cực vào cuộc mà người dân tại những quận, huyện nơi dự án đi qua cũng đang kỳ vọng tuyến đường sớm triển khai. Ông Ngô Phú Lượng, người dân thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh chia sẻ, đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của Thủ đô và cả nước nên không riêng gì gia đình ông mà các gia đình trong thôn có đất bị thu hồi đều sẵn sàng bàn giao đất để mong dự án sớm được thi công hoàn thành.

Phát triển đô thị làm tiền đề để các huyện lên quận

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội được UBND TP giao triển khai nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung được đề cập trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch lần này là đề xuất định hướng phát triển cho các khu vực phát triển mới trong đô thị trung tâm gồm khu vực Đông Vành đai 4 và Bắc sông Hồng.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, tại nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô vừa được lập đã đề xuất định hướng giải pháp cụ thể cho một số vấn đề trọng tâm. Trong đó có đề cập việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đồng thời, nghiên cứu định hướng phát triển mở rộng khu vực đô thị trung tâm để phát huy hiệu quả sử dụng đất hai bên tuyến Vành đai 4 (mở rộng thêm sang phía Tây). Ưu tiên quỹ đất mở rộng nêu trên để bổ sung cho sự thiếu hụt về hạ tầng đầu mối (giao thông, bến bãi xe, nhà ga đường sắt đô thị, nơi áp dụng mô hình TOD,…), tăng không gian xanh, công cộng (sở hữu công), dịch vụ - thương mại ngầm, nổi (sở hữu tư).

Về định hướng quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn, lãnh đạo huyện Mê Linh thông tin, nhằm thực hiện Nghị quyết 15 /NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, định hướng huyện Mê Linh cùng với huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn lên TP trong Thủ đô, huyện Mê Linh đang tích cực tập trung triển khai lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện.

Trong đó, kiến nghị được cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô những nội dung nghiên cứu như quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ phía Đông đường Vành Đai 4. Phát triển trục không gian kinh tế theo các tuyến đường lớn quan trọng nối các đầu mối giao thông cấp vùng đến các khu vực phát triển động lực kinh tế. Hình thành Trung tâm dịch vụ vận chuyển logistic quy mô lớn và xây dựng khu vực hậu cần đường hàng không. Tập trung các hoạt động xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa của TP Hà Nội và của cả miền Bắc.

Kết nối trực tiếp huyện Mê Linh với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để phát triển các dịch vụ chuyển phát nhanh cũng như có khả năng tiếp cận cao với trục đường Võ Nguyên Giáp hiện hữu, và các trục đường phát triển mới theo quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Về phía Tây đường Vành đai 4 có dư địa phát triển về đô thị (khoảng >1.000ha) và phát triển công nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh.

Đối với huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng chia sẻ, khi hình thành Vành đai 4 của Hà Nội, huyện mong muốn sẽ phát triển một số khu đô thị dọc theo tuyến đường. Cùng với đó là các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục thể thao, dịch vụ logistic, bệnh viện, khu thương mại dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề…

Mục tiêu đến năm 2050 toàn huyện sẽ là một đô thị sinh thái hiện đại và vùng nông nghiệp công nghệ cao; là vùng kinh tế phát triển phía Tây Nam của TP theo hướng xanh, hiện đại và thông minh. Từ đó, huyện đã có kiến nghị các sở, ngành của TP nghiên cứu định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ phía Tây Nam tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận huyện và dọc tuyến đường trục phát triển phía Nam Cienco5 làm tiền đề định hướng để Thanh Oai phát triển lên quận giai đoạn sau năm 2026, đồng thời làm cơ sở để UBND huyện lập quy hoạch xây dựng vùng huyện hiện đang triển khai.

 

"Đối với khu vực hai bên Vành đai 4 cơ bản thuận lợi cho phát triển đô thị, cần bổ sung dân số để góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất hiệu quả. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), tăng tầng cao, nâng hệ số sử dụng đất. Về cấu trúc phát triển đô thị, có thể xem xét theo một số phương án như phát triển tập trung theo các đầu mối TOD; phát triển dọc theo các tuyến giao thông quan trọng; phát triển từng phần theo định hướng quy hoạch..." - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy