Và rồi, sau giấc mơ ngắn mang tên DN hóa bóng đá, người ta nhận ra sự trớ trêu khi phải đứng trên vai người khổng lồ.
Hoang mang về tiêu chí
Đến thời điểm này, người ta không thể khẳng định bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp chưa? Tiêu chí nào để khẳng định một đội bóng đã chuyên nghiệp? Theo lộ trình, đến nay, bóng đá Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn phát triển chuyên nghiệp được vài năm. Các đội bóng được yêu cầu phải chuyển đổi sang hình thức công ty thay vì sống nhờ vào bầu sữa bao cấp của địa phương hay ngành chủ quản.
Vậy nhưng, vài năm sau cú chuyển được kỳ vọng, làng bóng đá vẫn cứ èo uột. Mỗi một mùa giải, người ta lại lo lắng xem đội này, đội khác có thể tồn tại được hay không? Các đội bóng vẫn phải phụ thuộc quá lớn về nguồn tài chính từ các ông bầu riêng lẻ hay sự quan tâm từ chính quyền địa phương. Bóng đá vẫn chưa đẻ ra tiền khi mà chất lượng các trận đấu, tính trung thực của sân chơi luôn là dấu hỏi. Vậy là khi lãnh đạo có mối quan tâm khác, ông bầu gặp khó khăn về tài chính thì ngay lập tức, sự sống còn của các đội bóng như chỉ mành treo chuông.
Bây giờ, người ta không thể hiểu bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp ở mức độ nào? Đâu là tiêu chí cho một CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam? Đội bóng đó phải là mối quan tâm của ông bầu hay là con cưng của địa phương thì mới có thể tồn tại phát triển một cách vững mạnh? Có thể nói, cả hai tiêu chí đó đều không mang đến sự ổn định và nó vẫn hàm chứa những yếu tố rủi ro khi sinh mệnh của một tập thể phụ thuộc vào ý nguyện của một người.
Công thức nào cho bóng đá?
Bây giờ, những người làm bóng đá phải thực tế với hiện trạng đang có. Họ không được phép ảo tượng về những gì đang có để tìm ra một công thức hợp lý cho giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp. Phải nhấn mạnh đến từ "quá độ", bởi còn rất lâu nữa, bóng đá Việt Nam mới thực sự chuyên nghiệp. Nên nhớ rằng, để bóng đá tự sống được nhờ hoạt động thi đấu phải mất một thời gian dài với những đầu tư bài bản cùng tầm nhìn sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách.
Và khi chưa thể chuyên nghiệp, người ta phải sống với tư duy bán chuyên nghiệp. Nhưng, bóng đá như đã nói không thể dựa hoàn toàn vào ông bầu hay kinh phí của địa phương. Phải có sự san sẻ gánh nặng về tài chính cho một đội bóng. Hay nói cách khác, người ta phải tạo ra nhiều chân đế cho ngôi nhà bóng đá. Ở đó, chính quyền địa phương, các DN bằng tiềm lực tài chính hay cơ chế có được sẽ tạo ra những dòng tiền ổn định nuôi bóng đá.
Có một con đường mà bóng đá Việt Nam bắt buộc phải đi, đó là tạo ra thật nhiều dòng tiền. CLB bóng đá phải là một DN đại chúng với nhiều cổ đông. Ở đó, vai trò của địa phương là vô cùng lớn khi mà họ hoặc bơm tiền, hoặc tạo ra cơ chế để DN bóng đá kiếm ra tiền. Thế nhưng, chấp nhận thực tế bóng đá Việt Nam vẫn đang ở mức bán chuyên nghiệp cũng cần phải có sự dũng cảm. Bởi nhiều người cho rằng, thay đổi cơ chế, tư duy làm bóng đá nghĩa là thừa nhận thất bại. Nhưng, thất bại để làm lại còn hơn là xóa sổ hoàn toàn khi mà rất ít đội bóng không thể bơi ở biển lớn mang tên chuyên nghiệp.