Đình Tân Hưng - Nơi treo cờ Đảng đầu tiên ở Cà Mau năm 1930

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 93 năm trước, lá cờ Đảng thiêng liêng được dương cao ở Đình Tân Hưng, mặc sự truy sát gắt gao của thực dân Pháp. Sự kiện tạo nên tiếng vang, hun đúc tinh thần yêu nước của quân dân nơi địa đầu Tổ quốc, nhất tề theo Đảng đứng lên giành và giữ độc lập tự do.

Đình Tân Hưng tại Xóm Lớn, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Cách trung tâm TP Cà Mau 4km về phía Nam theo tuyến kênh Rạch Rập đi huyện Cái Nước
Đình Tân Hưng tại Xóm Lớn, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Cách trung tâm TP Cà Mau 4km về phía Nam theo tuyến kênh Rạch Rập đi huyện Cái Nước

Mảnh đất Cà Mau anh hùng có nhiều khu di tích lịch sử cách mạng, đã ghi dấu những giai đoạn thời khắc quật khởi anh hùng của quân dân nơi đây trong cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến Đình Tân Hưng, là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.

Cứ mỗi dịp mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân khắp nơi lại đổ về cầu khấn quốc thái dân an và tham dự lễ hội Kỳ yên.
Cứ mỗi dịp mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân khắp nơi lại đổ về cầu khấn quốc thái dân an và tham dự lễ hội Kỳ yên.

Đình Tân Hưng nằm tại Xóm Lớn, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Chỉ cách trung tâm TP Cà Mau 4km về phía Nam theo tuyến kênh Rạch Rập đi huyện Cái Nước. Là “địa chỉ đỏ” ghi đậm dấu ấn của quân dân Cà Mau qua 2 cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Phù điêu tại đình mô tả cuộc đấu tranh của quân dân Cà Mau những năm kháng chiến chống Pháp giành và giữ độc lập.
Phù điêu tại đình mô tả cuộc đấu tranh của quân dân Cà Mau những năm kháng chiến chống Pháp giành và giữ độc lập.

Đêm 1/5/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, nhóm thanh niên yêu nước gồm 3 người: Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hưng đã treo lá cờ búa liềm ngang 1m, dài 2m của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) trên ngọn cây dương trước đình.

Trên lá Đảng kỳ có dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc" và 3 chữ tên lót của 3 người: "Ngọc-Đức-Thể." Sự kiện chấn động trên đã khiến thực dân Pháp điên cuồng tức giận, chúng tổ chức lùng sục truy sát gắt gao nhiều ngày trong vô vọng.

Bia đá tại Đình Tân Hưng
Bia đá tại Đình Tân Hưng

Đây là lần đầu tiên nhân dân Cà Mau được tận mắt thấy cờ Đảng công khai xuất hiện. Sự kiện đã như một luồng gió mới, cổ súy tinh thần để quần chúng tập hợp, nhất tề đứng lên đi theo Đảng giành độc lập.

Nội dung ghi trên bia đá tại Đình Tân Hưng 
Nội dung ghi trên bia đá tại Đình Tân Hưng 

Ngày 2/2/1946, giặc Pháp đánh chiếm Cà Mau. Trước đó, ngày 1/3/1946, Mặt trận Tân Hưng được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Thâm làm Bí thư, đồng chí Mai Đăng Khoa là Ủy viên Quân sự trực tiếp chỉ huy. Mặt trận có nhiệm vụ ngăn cản bước tiến của giặc tiến về vùng nông thôn, tạo thời gian cho ta củng cố xây dựng lực lượng. Đến ngày 2/5/1946, Mặt trận được lệnh giải tán nhận nhiệm vụ mới, bổ sung triển khai lực lượng về các địa phương phát triển chiến tranh du kích, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tuy chỉ chiến đấu 3 tháng, nhưng Mặt trận Tân Hưng đã hoàn thành xuất sắc vai trò cầm chân địch ở thị trấn Cà Mau để ta xây dựng lực lượng vùng nông thôn, đồng thời làm tiêu hao sinh lực địch, nâng cao nhuệ khí cách mạng những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cựu Chiến binh Lâm Anh Lữ, đơn vị Biệt động thị xã Cà Mau đang kể cho phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ chiến đấu ác liệt đã được người dân quanh Đình Tân Hưng che chở.
Cựu Chiến binh Lâm Anh Lữ, đơn vị Biệt động thị xã Cà Mau đang kể cho phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ chiến đấu ác liệt đã được người dân quanh Đình Tân Hưng che chở.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, khu vực xung quanh Đình Tân Hưng còn là nơi đóng quân, làm bàn đạp tiến công của đơn vị biệt động Cà Mau khi tiến đánh vào trung tâm đầu não của địch ở thị xã Cà Mau.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn - nguyên cán bộ tỉnh đội Minh Hải, khi đó là chiến sỹ biệt động thị xã Cà Mau - cho biết, người dân nơi đây bị Mỹ-Ngụy xếp vào dạng “ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản.” Do gần tỉnh lỵ, nên ban ngày chúng càn quét ác liệt, nhưng đến đêm chúng tuyệt nhiên không dám bén mảng đến, vì quân giải phóng dưới sự che chở của nhân dân sẵn sàng tiêu diệt chúng.

Ông Lâm Anh Lữ - một cựu chiến binh khác từng chiến đấu tại đơn vị Biệt động thị xã Cà Mau kể lại: Lòng dân nơi đây bao đời kiên trung sắc son theo Đảng, dù Mỹ-Ngụy bố ráp càn quét, nhưng đơn vị ông chưa hề bị lộ vì được người dân Đình Tân Hưng che chở. Rất nhiều lần, cả đại đội biệt động ém quân ở khu vực Đình Tân Hưng, chỉ cách giặc vài cây số trong tầm pháo nhưng đều an toàn.

Đình Tân Hưng là một ngôi đình cổ được vua Tự Đức sắc phong Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), được nhân dân xây dựng năm 1907. Những vị cao niên trong vùng kể rằng, trên sắc thần của vua Tự Đức ghi 8 chữ “Chánh trực - Hựu hiền - Đôn ngưng - Chi thần.”

Sắc thần nay đã thất lạc do chiến tranh loạn lạc, nhưng trong đình vẫn còn lưu giữ được ống đựng sắc thần được khắc hình rồng uốn lượn. Đình từng bị phá hủy do chiến tranh tàn phá. Sau năm 1975, đình được nhân dân xây dựng lại với 4 cột, 4 mái, diện tích 65m2 trên vị trí cũ, nền lót gạch tàu, mái lợp ngói máng, 4 góc có gắn 4 cá chép cách điệu, trên nóc có 2 con rồng.

Năm 2014, di tích Đình Tân Hưng được nâng cấp, phục dựng nhiều hạng mục, công trình: Nghi môn, giao thông hào, nhà khói, bia lưu niệm Mặt trận Tân Hưng, hệ thống chiếu sáng… xung quanh là khuôn viên rợp bóng cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, nhà truyền thống, đường nội bộ với hàng rào bảo vệ biệt lập.

Đình chính gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc được đúc hai rồng chầu. Trước đình là bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hai bông sen đá. Hai bên sân có hai miếu nhỏ thờ Thần Nông và Thổ Thần. Gian thờ chính của đình thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được bố trí uy nghi với những bệ trưng bày gươm giáo, trống đình, hình ảnh rồng, hạc. Đình Tân Hưng còn có gian thờ ảnh Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng.

Hàng năm, cứ đến mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng và khách du lịch khắp nơi về đây cầu đất nước thanh bình, quốc thái dân an và tham dự lễ Kỳ yên tại Đình Tân Hưng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phò hộ, lễ Kỳ yên còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước, đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cho biết: “Đình Tân Hưng có giá trị văn hóa - lịch sử to lớn, là nơi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của người dân trong vùng. Nơi đây ghi dấu lịch sử đấu tranh của nhân dân Cà Mau, kiên trung một lòng theo Đảng.”

Bằng di tích Lịch sử - Văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công nhận Đình Tân Hưng năm 1992.
Bằng di tích Lịch sử - Văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công nhận Đình Tân Hưng năm 1992.

Với những ý nghĩa ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng lịch sử, ngày 4/8/1992, Đình Tân Hưng được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia, trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học tập về những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước mà các thế hệ tiền nhân đã khắc ghi bằng xương máu.