Đình Thần Quy xuống cấp: Vô cảm hay lúng túng?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 11/7, đăng bài “Di tích quốc gia sắp bị khai tử” vì lý do thiếu vốn. Vì sao một di tích như đình Thần Quy xuống cấp nhiều năm lại không được phê chuẩn tu bổ, nguồn kinh phí sẽ lấy từ đâu… đã được ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội trả lời sáng tỏ.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến.
Không có trong danh mục tu bổ, hỗ trợ

Đình Thần Quy (thôn Thần Quy, xã Tân Minh, huyện Phú Xuyên) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2014 huyện đã lập dự án xin phép tu bổ, nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của Sở cũng như sự chấp thuận của TP Hà Nội. Ông có thể cho biết lý do vì sao một di tich cấp quốc gia đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không nhận được quyết định tu bổ?

- Dự án tu bổ tôn tạo đình Thần Quy được lập và đã được Bộ VHTT&DL có văn bản thẩm định vào năm 2010. Tại văn bản thẩm định dự án, Bộ VHTT&L đã đề nghị xem lại nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích cho đúng với thực tế (không có từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa). Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 20/3/2013 của UBND TP thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Văn hóa trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2015 không có di tích đình Thần Quy. Hiện nay, khi Sở VH&TT xây dựng Kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp di tích giai đoạn 2017 - 2020, huyện Phú Xuyên đã gửi danh sách trong đó có đình Thần Quy.

Đề xuất tu bổ di tích đình Thần Quy đã được huyện đề nghị từ các năm trước. Sở VHTT&DL (nay là sở VH&TT) đã trình Bộ thẩm định. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện theo Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội thì UBND cấp huyện có trách nhiệm đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn do cấp mình quản lý; trách nhiệm bố trí nguồn vốn tu bổ di tích trước tiên là thuộc huyện.

Trách nhiệm bố trí nguồn vốn là của huyện Phú Xuyên. Nhưng nếu huyện không có khả năng cân đối ngân sách hoặc thu hút xã hội hóa, chẳng lẽ cứ để đình xuống cấp như hiện nay?

- Theo phân cấp hiện nay, đối với di tích cấp quốc gia sẽ được TP hỗ trợ một phần kinh phí tu bổ. Để nhận được kinh phí từ ngân sách TP hỗ trợ một phần, huyện Phú Xuyên phải có báo cáo, xác định rõ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương hoặc từ nguồn xã hội hóa. Nguồn ngân sách cấp huyện phải có văn bản, tài liệu chứng minh; nguồn vốn xã hội hóa thì cấp huyện phải có cam kết chỉ đạo đảm bảo huy động đủ kinh phí và đã huy động được bao nhiêu, từ đâu, kế hoạch huy động trong thời gian tới. Đối với nguồn vốn hỗ trợ của TP, cần liên hệ với Sở KH&ĐT để được hướng dẫn thực hiện theo kế hoạch đầu tư công.

Hàng năm, TP có hỗ trợ các địa phương kinh phí chống xuống cấp di tích. Năm 2016 đình Thần Quy có nằm trong danh sách hỗ trợ từ TP không?

- Năm 2016, TP hỗ trợ mỗi quận huyện 4,5 tỉ đồng (có 3 huyện được hỗ trợ 5,5 tỷ đồng) chống xuống cấp các di tích. Đình Thần Quy không nằm trong danh sách trên. Theo danh sách ban đầu tôi có thì đình Thần Quy không nằm trong đề xuất 11 di tích của Phú Xuyên nhận được số tiền chống xuống cấp của TP năm vừa rồi. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nên huyện Phú Xuyên đã bổ sung thêm đình Thần Quy nhận nguồn tu sửa này.
Cảnh hoang tàn, xuống cấp của đình Thần Quy. Ảnh: Linh Anh
Vòng vo lý do

Theo thông tin từ xã Tân Minh, chính quyền đã nhận được 400 triệu đồng hỗ trợ của TP từ cuối năm 2016. Nhưng đã qua nửa năm 2017, đình Thần Quy vẫn chưa được tu sửa nên di tích có nguy cơ bị sập. Theo ông, trách nhiệm của sự chậm chễ này thuộc về ai?

- Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư (UBDN xã) thiếu tích cực, sự chỉ đạo đôn đốc của huyện Phú Xuyên thiếu quyết liệt, sát sao. Thủ tục tu bổ cấp thiết quy định trong Luật Di sản văn hóa được rút ngắn hơn nhiều so với thủ tục lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hay dự án. Hiện nay, chỉ cần lập phương án tu bổ cấp thiết, trình UBND TP, qua thẩm định của sở VH&TT là triển khai thi công. Để chậm chễ, dẫn đến tình trạng xuống cấp, nguy cơ di tích đổ sập thuộc về năng lực và trách nhiệm của cán bộ địa phương. Hiện nay, TP đã hỗ trợ 400 triệu đồng chống sập từ năm 2016 không thể lấy lý do về sự chậm trễ này được. Di tích xuống cấp nặng thì phải làm tu sửa cấp thiết để chống đổ chống sập, song song là huyện chủ động bố trí nguồn chuẩn bị đầu tư cho dự án để làm các thủ tục để lập dự án; không nên ngồi chờ nguồn tiền khác mới bố trí lập dự án. Trong khi thực hiện các bước lập dự án thì địa phương chủ động bố trí, huy động các nguồn lực và phối hợp với các sở chức năng để được hỗ trợ xác định nguồn kinh phí thực hiện đảm bảo mục tiêu và tiến độ. Trên cơ sở dự án đã được thẩm định từ năm 2010, UBND huyện cần chỉ đạo phòng chức năng rà soát, hoàn thiện theo quy định cả về nội dung, trình tự, lẫn định mức, đơn giá của dự toán.

Theo phản ánh của địa phương,vấn đề xin hỗ trợ kinh phí tu bổ hiện nay quá vòng vo, khiến quận, huyện lúng túng; càng nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Việc lập danh mục ưu tiên tu bổ 2017 - 2020 có giảm bớt được các thủ tục hành chính xin phép tu bổ hay không?

- Một trong những mục đích lên danh mục ưu tiên tu bổ là giảm đi đầu việc thỏa thuận chủ trương thủ tục ở cấp TP cho tất cả các di tích có trong danh sách theo kế hoạch, trong đó có cả di tích quốc gia. Nếu TP đồng ý cho danh mục này trong trường hợp vận hành tiếp quy trình tu bổ đình Thần Quy làm cơ sở đã được TP đưa vào kế hoạch thì TP chỉ cần làm văn bản báo cáo Bộ, không cần qua các bước huyện báo cáo Sở, Sở báo cáo TP xin chủ trương tu bổ nữa. Danh mục được phê duyệt là để ưu tiên tu bổ, xếp hàng đầu tư chứ không phải đương nhiên được hỗ trợ đầu tư, danh mục cũng không thay thế được các thủ tục đầu tư khác. Cấp huyện vẫn phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn để tu bổ, bảo tồn di tích do cấp mình quản lý vì việc này đã được phân cấp từ nhiều năm nay.

Xin cảm ơn ông!