Làng Đông Ngạc được xem là đắc địa, vượng khí nên rất nổi tiếng về truyền thống khoa bảng. Tính từ khi cụ Phan Phu Tiên khai khoa cho làng, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tý năm 1396 dưới triều Vua Trần Thuận Tông, đến thời Nguyễn, làng Ðông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên) và được gọi là làng khoa bảng là vì thế. (Ảnh: Đình Vẽ quay mặt ra đường An Dương Vương). |
Trong những kiến trúc đặc biệt ở làng Đông Ngạc phải kể tới đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ. Tiền thân của đình là một ngôi miếu cổ dựng từ thời nhà Đường sang đô hộ nước ta và đã được trùng tu nhiều lần qua các văn bia ghi vào các năm 1635, 1653, 1718, 1836, 1941…(Ảnh: Cổng tam quan ngoại nhìn từ ngoài vào). |
Công trình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, trước mặt có một hồ sen lớn. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “thiên, địa, nhân”; ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. (Ảnh: Lối xuống hồ sen rộng lớn phía trước cổng tam quan đình Vẽ). |
Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời nhà Lê và những tấm bia đã ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu lớn. (Ảnh: Cổng tam quan ngoại từ trong nhìn ra). |
Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng. (Ảnh: Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng). |
Qua cổng tam quan nội đến khoảng sân rộng, hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian. Đại đình có bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho cổ rồng. Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Cổng tam quan nội). |
Tòa đại bái có hai nếp nhà xếp hình chữ “Nhị”. Nếp nhà ngoài có mái lợp ngói mũi hài cổ. Gian giữa có 2 con hạc thờ cùng 2 bộ lỗ bộ 16 chiếc vũ khí. Nếp nhà phía trong được nối với với nếp nhà ngoài và bày kiệu rước, long đình, nhang án, sập thờ. (Ảnh: Hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian). |
Ngoài 8 tấm bia đá có các niên đại Lê Trung Hưng và Nguyễn, 1 cuốn ngọc phả, 45 đạo sắc phong (với các niên đại 1670, 1789, 1924…), nội thất đình còn bao gồm 1 quả chuông đồng đúc năm 1833, 2 bộ bát bửu, 1 biểu tượng tay cầm bút lông và 1 biểu tượng tay cầm nòng lửa. (Ảnh: Đại đình phí bên ngoài). |
Đình Đông Ngạc còn lưu giữ 1 đôi hạc thờ cao 2 m, 1 bộ ngũ sự, 3 cỗ kiệu bát cống, 1 cỗ kiệu võng, 1 long đình, 6 hoành phi, 24 câu đối, 1 kiệu rước thần mía, 2 hương án, 1 sập thờ, 3 long ngai, 48 bức tranh trên ván gỗ (mỗi bức tranh đều có kèm 1 bài thơ), 3 bộ triều phục và nhiều đồ thờ khác. (Ảnh: Trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian). |
Khác với những đình khác chỉ thờ một vị thành hoàng, đình Ðông Ngạc phối thờ cả ba vị thiên thần, nhân thần và địa thần, đều là những người đỗ đạt và có công với làng. Bên cạnh đó là văn chỉ thờ Khổng Tử và nhà đọc sách. Ðiều đó đã phản ánh đặc sắc nét văn hóa tốt đẹp cũng như truyền thống khoa bảng lâu đời của người Ðông Ngạc. (Ảnh: Bộ tranh quý ở đình Vẽ). |
Hội đình làng Vẽ tổ chức trọng thể trang nghiêm, ngày mồng 9 và 10 tháng Hai. Người trên đê từ làng Chèm, làng Bạc, làng Gạ, làng Bỏi…về dự đông vui nhộn nhịp. Ngoài những trò chơi như cờ bỏi, chọi gà, bịt mắt bắt dê…còn trò thả thơ, một nét đặc sắc của làng Vẽ văn hiến. (Ảnh: Những con đường lát gạch ở đình Vẽ). |
Nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, xã hội, lịch sử của làng cổ Đông Ngạc, TP Hà Nội đã xác định đầu tư, xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tuyến du lịch ngược đê sông Hồng với dải di tích: Phủ Tây Hồ, đình Chèm, đình Vẽ, hệ thống từ đường Đông Ngạc... (Ảnh: Không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở đình Vẽ). |