Nghệ nhân làng nghề Tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) giới thiệu sản phẩm tại hội chợ làng nghề. |
Thực tế, các làng nghề của Thủ đô luôn được khuyến khích, hỗ trợ bằng các chính sách gắn với hai trụ cột là Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm TP Hà Nội đến năm 2020. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác, phù hợp với bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến có ưu thế. Cụ thể, chương trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề gắn với địa danh của Sở KH&CN; chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu của Sở Công Thương; dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch của Sở Du lịch…Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4526/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các làng nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2019. Theo đó, ngân sách TP sẽ chi trả tối đa 100 triệu đồng/nội dung cho mỗi làng nghề; 3 nội dung được hỗ trợ là: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu cho các làng nghề; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. 6 làng nghề nằm trong danh sách hỗ trợ, gồm: Làng nghề chế biến nông sản Chi Nê (huyện Chương Mỹ), làng nghề mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (huyện Thường Tín), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng nghề tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), làng nghề nón lá Phú Châu (huyện Ba Vì), làng nghề chè Ba Trại (huyện Ba Vì).Để có nhiều hơn nữa các làng nghề Thủ đô được biết đến rộng rãi, mạng lưới kinh doanh, xuất khẩu rộng khắp như làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Hà Đông…, TP đang tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đối với các DN, cơ sở làm nghề uy tín. Bài học trong quá trình gìn giữ, phát triển thương hiệu của các làng nghề truyền thống ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã chứng minh điều này. Đó là, thay vì đầu tư dàn trải, chính quyền sẽ hỗ trợ một số “đầu tàu” ở mỗi làng nghề. Chính các hạt nhân đó sau khi đã nâng tầm sản xuất, kinh doanh, sẽ đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, quy tụ các hộ dân khác để kết nối, chung sức xây dựng chuỗi liên kết cùng phát triển lớn mạnh.