Định vị thương hiệu qua thương mại điện tử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN nên tận dụng thương mại điện tử (TMĐT) để quảng bá, đưa sản phẩm Việt tới người tiêu dùng (NTD) trong nước và thế giới.

Phiên chợ Việt tại Ba Vì. 	Ảnh: Lê Nam
Phiên chợ Việt tại Ba Vì. Ảnh: Lê Nam
Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị kết nối các DN Việt Nam sản xuất phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng tiêu dùng do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tổ chức ngày 15/8.

Thêm nhiều điểm bán hàng Việt

Nhằm đưa hàng Việt tới tay NTD vùng sâu vùng xa, qua đó triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN thương mại Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, thời gian qua, ngành công thương Hà Nội đã tổ chức 40 chương trình đưa các DN thương mại - dịch vụ chủ lực của TP như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Big C, Fivimart, Metro, Phú Thái... tìm hiểu, giao thương với các DN tại các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận… Sau mỗi chuyến đi, hàng loạt hợp đồng cung cấp thực phẩm, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền đã được ký kết đưa hàng hóa về tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại của Thủ đô như siêu thị Hapro, Fivimart, Intimex; tổ chức “Tuần lễ cam Cao Phong - Hòa Bình” tại Hà Nội và ngược lại tiêu thụ hàng Việt tại tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, các DN còn mở thêm nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tại các tỉnh, TP phía Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như Hapro mở chuỗi siêu thị Hapromart tại Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa; Công ty TNHH Lan Chi Business mở siêu thị tại tỉnh Hà Nam…, từ đó tạo sự liên kết vững chắc giữa "nhà sản xuất - nhà phân phối - NTD". Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm 2015, Hà Nội sẽ tổ chức giao thương tại một số vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Hoạt động này sẽ giúp TP ngày càng phát huy vai trò trung tâm, kết nối kinh tế vùng, miền cả nước, đồng thời tạo sức lan tỏa các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tận dụng thương mại điện tử

Nhiều DN nhỏ và vừa mặc dù muốn phát triển hệ thống bán lẻ nhưng không thể thực hiện được bởi hoạt động này đòi hỏi một lượng vốn nhất định nhưng không phải tất cả các DN đều đáp ứng được. Điều đó cho thấy, DN nên tận dụng TMĐT trong quá trình quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội nghị, ông Vũ Đại Thắng - Giám đốc Công ty CP Chè Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, chất lượng sản phẩm chè nguyên liệu của Việt Nam gần như đứng đầu thế giới, giá thành rất rẻ. Tuy nhiên, việc tiếp cận khách hàng để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thế giới còn nhiều khó khăn: “Khách hàng thường đòi hỏi DN phải xuất khẩu hàng mang thương hiệu của họ, như vậy chẳng khác nào nguyên liệu sản xuất là hàng Việt nhưng lại mang thương hiệu ngoại”. Đối với việc phân phối trong nước, bà Trần Thị Bình - Giám đốc Công ty CP Muối và thương mại Nam Định cho hay: Bờ biển Việt Nam trải dài khắp đất nước, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu sản xuất muối có chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Thế nhưng DN trong nước đang phải đối mặt với hoạt động quảng bá, chính sách trích hoa hồng cho đại lý khá cao của DN nước ngoài nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do DN trong nước không đủ kinh phí để “chạy đua”. Đây là nguyên nhân khiến DN trong nước hy vọng vào kênh TMĐT tiếp cận khách hàng nhanh, rộng rãi với chi phí quảng bá thấp sẽ giúp DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Trước những ý kiến của DN, ông Kiều Tiến Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP TMĐT Vietnamnay cho biết: Các DN trên thế giới khi đưa ra sản phẩm mới là nghĩ ngay đến chiến lược marketing để quảng bá, còn DN Việt Nam lại không biết marketing cho sản phẩm mới như thế nào. Hơn nữa, các DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa nên việc sử dụng kênh marketing truyền thống ra thế giới gần như là không thể bởi chi phí cao, nhưng với kênh TMĐT thì DN nào cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để sử dụng được TMĐT đòi hỏi DN phải phát triển nguồn nhân lực có tư duy, trình độ về lĩnh vực này, đồng thời tìm được thế mạnh của mình ở thị trường nhất định và vượt qua được rào cản về ngôn ngữ. Điều đó cho thấy muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt không chỉ ở thị trường trong nước mà cả quốc tế thông qua TMĐT đòi hỏi chính bản thân DN phải có chiến lược bài bản và DN phải tự định vị được thương hiệu của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần