Theo đại diện Công ty cổ phần công nghệ DKT, kể từ khi ra mắt năm 2014, Sapo đã trải qua nhiều lần nâng cấp nhưng đây được coi là lần thay đổi lớn nhất, đánh dấu bước ngoặt của công nghệ phần mềm bán hàng trên thị trường hiện nay.
Cụ thể, Sapo 2.0 là phần mềm bán hàng nền tảng mở, cho phép các đối tác là các nhà cung cấp dịch vụ, phát triển ứng dụng tham gia cùng phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng. Với sự linh hoạt này, Sapo còn là phần mềm bán hàng đầu tiên tích hợp với wordpress (Woocommerce). Cho tới nay, có thể nói Wordpress và Bizweb là 2 nền tảng web được phần lớn các website tại Việt Nam sử dụng.
Bên cạnh đó, xu hướng bán hàng đa kênh đang lên ngôi, ngoài website, các chủ doanh nghiệp, chủ shop còn lựa chọn bán trên nhiều kênh khác như mạng xã hội, sàn TMĐT, diễn đàn, bán tại cửa hàng... Từ đó, nhu cầu quản lý xâu chuỗi tất cả các kênh quy về một nơi lại trở nên cần thiết. Sapo 2.0 được tạo ra để hỗ trợ bán hàng đa kênh một cách toàn diện, giúp người dùng đo lường hiệu quả chi tiết của từng kênh và đưa ra quyết định một cách chính xác, nhanh chóng.
Một trong những điểm sáng nhất của Sapo 2.0 đó là phần mềm bán hàng đầu tiên có tích hợp vận chuyển, kiểm soát chi tiết tới từng khâu trong quá trình giao vận. Người dùng có thể lựa chọn đơn vị giao hàng cho từng đơn và quản lý cập nhật lộ trình giao hàng để biết hiện tại gói hàng đang ở đâu, tình trạng chuyển phát, giao - nhận...
Đồng thời, phiên bản mới Sapo 2.0 cũng cho ra mắt ứng dụng trên di động Sapo Shipper chuyên quản lý các đơn hàng của shipper. Sau khi cài ứng dụng, người dùng hoàn toàn có thể quản lý mọi thông tin của từng đơn hàng về trạng thái đơn hàng, tiền thu hộ, phí giao hàng, thời gian hẹn giao, địa điểm giao hàng và thông tin liên hệ cá nhân của shipper... Trong thời gian ngắn sắ tới, các chủ shop chỉ cần ngồi một chỗ và theo dõi định vị trên bản đồ thông qua một ứng dụng cài sẵn trên điện thoại của shipper.
Theo ông Nguyễn Thái Hoàng, Phó Phòng Kinh doanh, Viettel Post - đối tác của Sapo 2.0, việc tích hợp các công cụ quản lý kho vận hiện đại vào nền tảng bán hàng trực tuyến như mô hình hợp tác của hai bên lần này mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, người bán hàng có thể quản lý tốt hơn hoạt động mua bán theo quy mô phát triển của doanh nghiệp mình. Còn Viettel Post có thêm "kênh" mang lại khách hàng, gia tăng hiệu quả kinh doanh và nhận diện thương hiệu. Đổi lại, Viettel Post cũng có thể giới thiệu cho các khách hàng truyền thống thêm một công cụ kinh doanh tiên tiến, tiện lợi. Và sau cùng, người mua hàng cũng sẽ được tận hưởng sự tiện lợi mà thương mại điện tử mang lại.