DN đang "tắc" hàng trung chuyển quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phản ánh của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế của các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển.

Từ ngày 15-3, Nghị định 08/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó, Điều 44 quy định: hàng hóa trung chuyển quốc tế không được phép vận chuyển qua lại giữa các cảng trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu (trừ trường hợp thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Cảng Cát Lái TP.HCM đang bị quá tải. Ảnh: T.H
Cảng Cát Lái TP.HCM đang bị quá tải. 
Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, quy định trên ngay lập tức đã tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của các hãng tàu, tạo nên khó khăn cho doanh nghiệp cảng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam trong việc thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế.

Khu vực cảng nước sâu Thị Vải- Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã được quy hoạch để phát triển hệ thống cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Đã có rất nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, quyết liệt do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các ban, ngành ban hành trong thời gian qua nhằm tăng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực này.

Trên thực tế, khu vực cảng nước sâu Thị Vải- Cái Mép có 7 cảng đang hoạt động là các cảng có quy mô nhỏ từ 300-600 cầu tàu, do nhiều đơn vị khai thác nhau quản lý, kinh doanh. Để có thể đón được các chuyến tàu trung chuyển quốc tế lớn và sử dụng tối đa năng lực, công suất của các cảng, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cảng này liên kết, liên doanh bằng cách nối dài cầu tàu, bến bãi. Tàu container của cảng này có thể cập cảng khác nếu tại thời điểm đó, cầu tàu của cảng mình đã đầy chỗ.

Do vậy, quy định tại Nghị định 08 đã tạo ra nhiều khó khăn, cản trở quá trình hợp tác của các doanh nghiệp cảng, gây ra sự lãng phí rất lớn khi các cảng không tận dụng được tối đa năng lực cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi của nhau để cùng phát triển.

Theo thống kê, năm 2014, sản lượng hàng trung chuyển quốc tế tại các cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tại khu vực cảng Cái Mép gồm 8.738 teus, bằng 1% sản lượng thông qua cảng. Con số này trong 4 tháng đầu năm 2015 gia tăng mạnh, đạt 4.633 teus bằng 1,4% sản lượng thông qua.

Tại khu vực TP.HCM, với sự gia tăng nhanh chóng về sản lượng thông qua, các cảng ở khu vực này đang có dấu hiệu quá tải, nhất là cảng Cát Lái. Để giảm tải, đáp ứng nhu cầu của khách hàng XNK trong khu vực, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã nhanh chóng đầu tư thêm một số cơ sở, như: cảng Tân cảng Hiệp Phước, cảng Tân cảng – Phú Hữu.

Các cảng này đóng vai trò là cảng nối dài của cảng Cát Lái nên các tàu có thể cập tại 1 trong 3 cảng trên tùy tình hình cầu bến tại từng cảng trong từng thời điểm. Do vậy, quy định tại Nghị định 08 lại một lần nữa làm cản trở dòng lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cảng.

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, năm 2014, sản lượng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng Cát Lái đạt 83.905 tues, chiếm 2,32% sản lượng thông qua. Con số này đang gia tăng mạnh từ đầu năm 2015 đến nay.

Đối với nhu cầu của các hãng tàu, theo thông tin từ các hãng tàu, nhu cầu container trung chuyển quốc tế qua Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh. Hãng tàu Maersk phản ánh, sản lượng hàng thuộc đối tượng này khoảng 500-1.000 container/tháng.

Từ thực trạng trên, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phép vận chuyển hàng trung chuyển quốc tế giữa các cảng biển thuộc nhóm 5 (nhóm cảng biển được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế), với điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng trung chuyển chỉ được vận chuyển bằng đường thủy và chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa trong quá trình vận chuyển./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần