DN địa ốc nghi ngờ có người thuê tiền "bơm thổi" số liệu nhà đất

theo infonet.vn
Chia sẻ Zalo

Để đánh giá “sức khoẻ” của thị trường địa ốc, người tiêu dùng thường căn cứ vào số liệu công bố của các đơn vị nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, số liệu giữa các công ty nghiên cứu thị trường đang có độ “vênh” lớn.

“Loạn” số liệu
Tại Việt Nam, hai công ty được biết đến trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường địa ốc là Savills Việt Nam và CBRE Việt Nam. Hai công ty này vừa công bố báo cáo thị trường địa ốc TP.HCM quý 2/2017, tuy nhiên số liệu giữa hai đơn vị lại có sự chênh nhau khá rõ ràng.
Về thị trường căn hộ, theo Savills Việt Nam, trong quý 2/2017 TP.HCM có gần 11.600 căn được tiêu thụ và lượng giao dịch này đã “chạm đỉnh” kể từ năm 2011 cho đến nay. Căn hộ hạng C có tỷ lệ hấp thụ cao nhất khoảng 37% và chiếm 64% tổng lượng giao dịch. Savills Việt Nam dự báo căn hộ hạng C sẽ vẫn tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung trong tương lai với gần 46% thị phần.
Trong khi đó, CBRE Việt Nam cho biết quý này TP.HCM có 9.522 căn hộ được tiêu thụ. Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường với 51% tổng lượng tiêu thụ. Nhận định nửa cuối năm 2017, phân khúc cao cấp sẽ sôi động hơn.
 Nhiều DN BĐS tại TP.HCM bất ngờ trước số liệu các công ty nghiên cứu thị trường công bố. 
Chỉ với hai chỉ số là lượng căn hộ tiêu thụ và phân khúc dẫn đầu thị trường trong quý 2/2017 cho thấy số liệu giữa Savills và CBRE đã có sự chênh nhau khá rõ. Thậm chí cách đây 2 năm, cũng với số liệu căn hộ bán ra trong quý 2/2015, hai đơn vị này lại cho ra hai con số chênh nhau gần 50%.
Về nhận định phân khúc dẫn dắt thị trường cũng cho thấy sự đối nghịch nhau, trong khi Savills nhận định phân khúc căn hộ hạng C sẽ lên ngôi thì CBRE lại cho rằng căn hộ cao cấp sẽ sôi động.
Tổng giám đốc một DN BĐS lớn tại TP.HCM cho biết, nửa đầu năm 2017 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với thị trường địa ốc, doanh số bán hàng không chỉ của công ty ông mà nhiều DN khác sụt giảm đáng kể.
“Trước đây mỗi tuần một sàn của tôi bán được chục căn là bình thường nhưng nay có tuần chỉ bán được 2 – 3 căn, có khi không có giao dịch, trong khi nhân viên thì chán nản. Thế nhưng không hiểu các công ty nghiên cứu thị trường dựa vào đâu để cho ra con số tiêu thụ “khủng” như vậy”, ông H chia sẻ.
Giám đốc một sàn giao dịch khác lại cho rằng có hiện tượng chủ dự án “bắt tay” với công ty nghiên cứu thị trường để “bơm thổi” thị trường, mang lại lợi ích cho các bên. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi chủ dự án lôi kéo được lượng khách hàng về cho mình thì công ty nghiên cứu thị trường lại không hề có trách nhiệm với thông tin họ đưa ra.
Sàn giao dịch cũng… nghiên cứu thị trường
Câu chuyện khá khôi hài tại TP.HCM là một sàn giao dịch địa ốc cũng tham gia “cuộc đua” công bố báo cáo thị trường, đó là Công ty CP bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA). Là sàn giao dịch ra đời vài năm trước thế nhưng công ty này cũng vừa tổ chức buổi công bố báo cáo thị trường nhà ở quý 2/2017.
Ngoài những số liệu rất chi tiết ở các phân khúc như căn hộ; nhà phố/biệt thự; đất nền phân lô; BĐS nghỉ dưỡng… DKRA còn đưa ra các biểu đồ so sánh, phân tích thậm chí là nhận định diễn biến trong tương lai. Ngoài TP.HCM, DKRA còn có số liệu từ thị trường các tỉnh khác như Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hoà, Kiên Giang, Bình Định hay Quảng Nam.
Chưa biết những con số DKRA công bố có độ tin cậy bao nhiêu, song những khuyến cáo mà công ty này đưa ra khiến cho không ít người đọc những số liệu này phải suy nghĩ.
Cụ thể, DKRA khuyến cáo: “Bảng báo cáo này được chuẩn bị với mục đích duy nhất là cung cấp thông tin trong nội bộ DKRA và đối tác, thông tin trong bảng báo cáo này được DKRA thu thập từ nguồn mà chúng tôi cho là đáng tin cậy. Tuy nhiên DKRA sẽ không chịu trách nhiệm về bất cứ tổn thất trực tiếp hay hậu quả phát sinh đến việc sử dụng nội dung trong báo cáo và không chịu pháp lý có liên quan…”.
Tương tự, kết thúc phần nội dung nghiên cứu thị trường của mình, CBRE Việt Nam cũng có một câu được cho là “rũ bỏ” trách nhiệm: “Quý độc giả có trách nhiệm kiểm chứng độc lập tính chính xác và toàn vẹn của thông tin. Tài liệu này được thiết kế riêng cho khách hàng và chuyên gia của CBRE sử dụng”.
Theo chuyên gia địa ốc Nguyễn Bảo Vinh, các công ty nghiên cứu thị trường có những cách tiếp cận nguồn dữ liệu khác nhau do đó kết quả thống kê cũng không giống nhau, đây là điều hết sức bình thường. Dù vậy, số liệu có chênh lệch đi chăng nữa thì cũng ở mức chấp nhận được, từ 2% - 5%. Còn nếu chênh nhau hơn 10% thì khó mang đến sự tin cậy.
“Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có thể sẽ không căn cứ số liệu này để định hướng phát triển, tuy nhiên những thông tin này sẽ tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Vinh nói.