Tại buổi họp báo, ngoài việc thông tin với báo chí về kết quả hoạt động của ngành trong 9 tháng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ quý IV/2017, đại diện Bộ GTVT đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên thông tấn báo chí đối với các vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
Một trong những vấn đề được quan tâm trong buổi họp báo là Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ GTVT đã nắm được thông tin liên quan đến Đồ án nêu trên chưa và quan điểm của Bộ đối với đồ án này như thế nào? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã nắm bắt được thông tin và đang phối hợp với UBND TP Hà Nội và các ban, ngành liên quan nghiên cứu, thảo luận về những vấn đề liên quan cụ thể đối với Đồ án này. “Việc quy hoạch Ga Hà Nội là quy hoạch chung cho cả một khu vực rộng lớn xung quanh chứ không phải chỉ là quy hoạch riêng của khu vực hoạt động của ga. Qua nắm bắt thông tin và nghiên cứu về đồ án này, quan điểm của Bộ GTVT đánh giá đây là chủ trương quy hoạch đúng đắn” - ông Đông cho hay.
|
Mặt trước Ga Hà Nội - Công trình được đề xuất bảo tồn trong Đồ án quy hoạch. Ảnh: Công Hùng |
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận nằm trong Đồ án Quy hoạch chung của Thủ đô và đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá từ lâu. Việc quy hoạch khu vực Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với chủ trương quy hoạch đô thị tổng thể của Hà Nội trong tương lai. Ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay, về nguyên tắc, quy hoạch khu vực Ga Hà Nội hay bất kỳ đồ án quy hoạch đô thị nào khác ở Hà Nội cũng phải phù hợp với quy hoạch không gian chung của Thủ đô. Vấn đề này đã được các nhà chuyên môn, nhà quản lý đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng. Quy hoạch khu vực Ga Hà Nội sẽ không chỉ có ý nghĩa về mặt không gian đô thị mà còn có ý nghĩa đối với việc nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông vốn đang bị quá tải của Thủ đô. “Chúng tôi đang phối hợp với TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu thêm về đồ án này. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ Hà Nội mà cả TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với vấn đề quá tải về hạ tầng giao thông. Hiện nay, hạ tầng giao thông tại hai đô thị này mới chỉ đạt 7 - 8%, trong khi ít nhất phải đạt 16 - 17% thì hạ tầng giao thông mới có thể đáp ứng được. Còn nếu xét về mật độ, theo tiêu chuẩn, cứ trên 1.000 dân thì cần ít nhất từ 9 – 10km2 đường giao thông” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phân tích.
Liên quan đến vấn đề xây dựng nhà cao tầng trong khu vực lõi Ga Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Ga Hà Nội là ga trung tâm, có liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải đường sắt quốc tế. Đặc biệt, trong quy hoạch mới nhất về tuyến đường sắt tốc độ cao trong tương lai, vị trí của Ga Hà Nội là vô cùng quan trọng. Do đó, trong Đồ án quy hoạch khu vực Ga Hà Nội cũng cần phải tính toán đến cả mật độ phương tiện lưu thông vào ga trong tương lai. Điều này cần có sự hài hòa, phù hợp với mật độ giao thông chung của cả nước. “Vấn đề xây nhà cao tầng trong lõi Ga Hà Nội cũng có nhiều ý kiến lo ngại đến tác động không tốt đối với hoạt động ga. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay khu vực lõi ga chưa làm nhà cao tầng nên lo ngại về tác động nếu xây dựng thêm nhà cao tầng trong này là không có. Chúng tôi sẽ góp ý với Hà Nội cần xem xét không gian trong vùng lõi ga để xem có thể việc xây dựng một số tòa nhà thương mại, văn phòng làm viêc chứ không xây nhà ở trong đó. Việc xã hội hóa này sẽ giúp có thêm nguồn thu phục vụ cho ngân sách của địa phương” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
l Cũng tại buổi họp báo, những vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, hoạt động của các trạm thu phí BOT (trạm BOT) cũng nhận được sự quan tâm rất lớn. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao chủ trương giảm mức phí cho người dân qua các trạm BOT đã được Bộ GTVT chỉ đạo từ lâu, nhưng tiến độ thực hiện tại một số trạm BOT vẫn còn chậm? Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, Tổng cục đã thực hiện đàm phán được với khoảng 10 trạm BOT để tiến hành giảm mức giá thu phí cho phương tiện người dân đi qua trạm. Công tác đàm phán với các trạm BOT còn lại sẽ tiếp tục được Tổng cục triển khai trong tháng 10/2017.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện vẫn đang rất tích cực đẩy nhanh tiến độ làm việc với các trạm BOT về việc giảm phí cho người dân đi qua nhưng không thể triển khai nhanh được cần phải đàm phán với chủ đầu tư và với cả các địa phương có trạm BOT. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác cũng phải nghiên cứu kĩ lưỡng như tính toán lưu lượng phương tiện, rà soát những phương tiện trong diện được miễn phí, giảm phí… “Từ nay tới hết tháng 10, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư của các trạm BOT còn lại. Hiện nay, ngoài 54 trạm của Bộ GTVT, còn có 15 trạm khác thuộc dự án đầu tư của các tỉnh. Tổng cục đã gửi văn bản đề nghị các địa phương có những trạm này tiến hành kiểm tra, lên phương án giảm theo tinh thần của Bộ” - ông Huyện cho hay.
Trả lời các về việc tính khả thi của các dự án BOT như thế nào, khi quyết định cho đầu tư các dự án BOT có đánh giá kỹ về tác động xã hội không?... Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đầu tư các dự án BOT theo hình thức xã hội hóa với mục đích huy động được nguồn vốn từ trong xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông của cả nước trong bối cảnh nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.
Riêng tính khả thi của các dự án BOT cũng như tác động xã hội đối do các dự án này đem lại, Bộ GTVT cùng với các cơ quan chuyên môn đều đã đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi đồng ý chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, việc đánh giá năng lực nhà đầu tư cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, khắt khe hơn. “Từ những vấn đề liên quan đến các dự án BOT, bài học rút ra được nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật. Cần có khung pháp lý cụ thể, đồng bộ hơn. Hiện nay, một số dự án BOT chuẩn bị triển khai nhưng khi nhận thấy bất cập Bộ cũng đã kiến nghị dừng lại” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói và cho biết, đối với những dự án BOT nếu có bất cập, sai phạm thì sẽ xem xét trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan. “Cơ quan đề xuất chắc chắn sẽ phải chiu trách nhiệm đầu tiên. Các dự án trước khi đề xuất đều phải lấy ý kiến của các bên. Ngoài ra cũng phải đánh giá tác động xã hội kỹ lưỡng hơn” - ông Đông khẳng định.