Đồ án xây trụ sở bộ, ngành tại Hà Nội: Cơ hội giảm tải nội đô

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực dân số, gánh nặng hạ tầng ở khu vực nội đô Hà Nội ngày một gia tăng, bài toán giãn dân vì thế là đòi hỏi cấp thiết.

Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để sớm triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, kéo theo sự dịch cư của lượng lớn dân cư.

Phương án đoạt giải A kiến trúc trụ sở các Bộ ngành tại khu vực Tây Hồ Tây do Bộ Xây dựng thi tuyển năm 2021.
Phương án đoạt giải A kiến trúc trụ sở các Bộ ngành tại khu vực Tây Hồ Tây do Bộ Xây dựng thi tuyển năm 2021.

Khó giãn dân vì chậm di dời

Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Nhưng thực tế từ đó cho đến nay đã gần chục năm trôi qua, công tác này diễn ra hết sức chậm trễ với nhiều lý do được đưa ra.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời, xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội đô).

Theo rà soát của Sở QH - KT Hà Nội, tại khu vực nội đô lịch sử, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ có 28 cơ quan bộ, ngành T.Ư (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình). Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các bộ: Xây dựng, KH&ĐT, TT&TT, Tư pháp, GTVT, Y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT, VHTT&DL, NN&PTNT, Tổng cục Thống kê.

Quang cảnh một góc TP Hà Nội
Quang cảnh một góc TP Hà Nội

Đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan T.Ư quản lý nhưng đến nay địa điểm này cũng đã chuyển cho Bộ LĐTB&XH sử dụng. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp toàn diện và hợp khối dự án Trụ sở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại khu đất hiện có với khu đất của Bộ Nội vụ đã bàn giao cho Bộ LĐTB &XH. Còn lại các cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, một trong những yêu cầu chính của 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 3/2021 là đến năm 2030 kéo giảm số dân khu vực này khoảng 215.000 người. Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu là di dời các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan T.Ư, cơ sở giáo dục, y tế... để kéo dân cơ học ra khỏi khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, việc di dời cũng sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang rất thiếu.

Tuy nhiên, thực tế triển khai theo quy hoạch phân khu đang gặp nhiều khó khăn bởi tiến độ di dời các cơ sở diễn ra rất ì ạch. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao thì kế hoạch di dời trụ sở bộ, ngành trong khu vực nội đô lịch sử mới sớm đạt được kết quả.

Quy hoạch đồng bộ để hút dân cư

Không chỉ với mục tiêu góp phần giảm tải cho khu vực nội đô, mà theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, hệ thống làm việc của các bộ, ngành TƯ tại Hà Nội đang bị phân tán do yếu tố lịch sử, các công trình được cải tạo, xây dựng lại, nâng cấp nhiều lần, không bảo đảm tính đồng bộ, yêu cầu sử dụng.

Bộ NN&PTNT trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Bộ NN&PTNT trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Đa phần được tận dụng từ các công trình sẵn có nên nhìn chung quỹ đất chật hẹp, không gian làm việc hạn chế, hạ tầng cơ bản không phù hợp tiêu chuẩn, do đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, không đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính… Vì thế, việc di dời đến nơi được quy hoạch, xây dựng tập trung, bài bản là cần thiết và bắt buộc phải làm.

Vào cuối tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Theo quy hoạch, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan T.Ư của các đoàn thể.

Khu Tây Hồ Tây có diện tích 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), sẽ bố trí trụ sở làm việc của 13 bộ, ngành. Về lộ trình, từ năm 2023 - 2025 các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở của một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng.

Đối với Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55 ha, với 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4 ha thuộc phường Trung Văn. Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không liệt kê bộ, ngành nào sẽ di dời về khu Mễ Trì, chỉ nêu từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ NN&PTNT và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Từ năm 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN&PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, có thể thấy bản quy hoạch các trục sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì đã xác định vị trí thuận lợi để kết nối giao thông thuận tiện, phục vụ công tác đối ngoại, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 và một số đề xuất của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện.

Quy hoạch không chỉ nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo lập khu vực tiêu biểu, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hà Nội mà còn để nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước tinh giản bộ máy hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội thì bên cạnh xây dựng các trụ sở thì cần phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở… để tạo điều kiện thu hút cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc và sinh sống, giảm áp lực giao thông đi lại.

 

Để sớm triển khai hiệu quả quy hoạch này, rất cần có cơ chế đặc thù về ngân sách để bảo đảm thực hiện theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, cần có sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, có như vậy mới không rơi vào tình trạng ì ạch như việc thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg từ năm 2015 của Thủ tướng.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần