Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt đã khiến người già và trẻ nhỏ “đua” nhau nhập viện, ngay cả đến những thanh niên trai tráng cũng cảm thấy oải. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức phòng chống bệnh tật trong thời tiết khắc nghiệt này.
Người khỏe cũng ốm7 giờ sáng thứ Bảy, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội ghi nhận gần 40oC, người dân tìm mọi cách để trốn nắng nhưng tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vẫn tấp nập phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết, nắng nóng khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10 - 15% so với ngày bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận từ 3.200 - 3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh lý sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, BV đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh, đồng thời tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng.Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đình tăng cường quạt tại khu vực chờ khám bệnh. Ảnh: Nguyễn Vân |
Tại BV Đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc BV Nguyễn Văn Thường chia sẻ, lượng bệnh nhi đến viện khám trong những ngày nắng nóng vừa qua cũng tăng từ 5 - 7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là trẻ được đưa ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.
Bác sĩ Thường cho biết thêm, thông thường năm nào trên địa bàn Hà Nội, các dịch bệnh mùa hè như tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, viêm hô hấp cấp, nhiễm siêu vi trùng, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, tiêu chảy cấp, thủy đậu cũng gia tăng, nhưng mùa hè năm nay chưa thấy đột biến, số bệnh nhân chưa tăng so với trước. “Một vài trẻ đến viện khám do trên người nổi mẩn đỏ, sốt vào tối, gia đình tưởng bị sởi nhưng qua thăm khám trẻ chỉ bị sốt phát ban do thời tiết nắng nóng mà trẻ lại thích ứng kém” – bác sĩ Thường cho hay.Không chỉ trẻ nhỏ, nắng nóng gay gắt đã khiến lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tại BV Lão khoa T.Ư tăng lên trong những ngày qua. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV.Ngay cả những người vốn có sức khỏe tốt cũng đổ bệnh trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua. Như trường hợp anh Nguyễn Mạnh L. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một người chẳng bao giờ biết đến ốm đau ngoài vài lần cảm cúm nhẹ. Vậy mà, sau khoảng 2 tiếng đi ngoài đường vào giữa trưa thứ Bảy vừa rồi, khi về đến nhà, anh L. đã nằm bẹp giường đến tận ngày hôm sau vì say nắng.Hạn chế ra đường từ 10 giờ đến 16 giờTrước tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, bác sĩ Thường lưu ý, người dân cần phòng tránh các bệnh mùa hè cho trẻ nhỏ, nhất là viêm đường hô hấp cấp gây ra do thời tiết oi bức khiến vi khuẩn, virus dễ sinh sôi, phát triển. Các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm amidan với các triệu chứng sốt, đau mỏi người, chảy nước mũi, nôn trớ, đau đầu dẫn đến bệnh nhân mệt mỏi. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi cần đưa trẻ đi khám sớm, kịp thời để phòng tránh biến chứng. Ngoài ra, trong mùa nắng nóng, ngoài các bệnh đường ruột, viêm hô hấp cấp thì nhóm bệnh do nhiễm siêu vi trùng như sốt virus, sốt phát ban, thủy đậu, cũng có nguy cơ phát triển. Theo nghiên cứu có khoảng 200 loại virus dễ phát sinh bệnh mùa hè, hầu hết các bệnh đều lành tính, trừ bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết. Bác sĩ Thường nhấn mạnh, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ, bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao.Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trong những ngày nắng nóng, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu các BV trong và ngoài công lập trực thuộc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo đảm việc chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại BV. Mặt khác, giảm quá tải tại khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí, khám theo lịch hẹn… để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Cùng với đó, các BV tổ chức tập huấn cho nhân viên về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nóng, say nắng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng. (Hải Lý) |