Từ trên cao nhìn xuống, tổng quan dự án “nghìn tỷ” Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn là những mảnh ghép rời rạc, ngổn ngang. |
Chỉ mới được cấp 8% tổng vốn
Ghi nhận thực tế tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc cho thấy, sau 20 năm, nơi đây vẫn là một vùng rộng lớn loang lổ của nhiều khu đất không công trình, cánh cổng đồ sộ dẫn vào Đại học Quốc gia Hà Nội không bóng sinh viên. Những người dân Thạch Thất 15 năm trước trông chờ vào quy mô đại học đồ sộ cùng các dịch vụ ăn theo, giờ đã quen với sự "treo" của dự án.
Ngày 5/12/2017, HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua Nghị quyết về đồ án "Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc - TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000", theo đó xây dựng Hòa Lạc thành đô thị hiện đại thông minh với diện tích 17.274ha, dân số 600.000 người vào năm 2030. |
Thực tế, quy mô TP Đại học mới làm được 6 tuyến đường, 3 khu nhà, đền bù GPMB được 75% diện tích. Tuy nhiên, chưa có khu tái định cư cho các hộ dân diện di dời. Dù kế hoạch đặt ra đến năm 2025, trên khu đất 1.000ha sẽ có 8 đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ. Toàn bộ cơ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội ở nội thành dời lên Hòa Lạc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nguyên nhân dự án triển khai chậm so với kế hoạch đề ra là nguồn vốn được cấp quá ít. Từ năm 2003 đến nay, dự án mới được đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, bằng 8% tổng vốn ước tính (25.800 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khâu GPMB cũng gặp nhiều khó khăn do phát sinh mâu thuẫn về mức đền bù GPMB.
Trước tình trạng dự án “đói vốn”, Chính phủ cũng đã ưu tiên cấp vốn GPMB tái định cư, cho vay ODA và một số cơ chế đặc thù đối với dự án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa thể khẳng định mốc thời gian dự án cán đích. Đồng nghĩa, kế hoạch di dời toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lên cơ sở mới, giảm tải áp lực cho nội đô (theo đề án năm 2013) khó đạt được.
Tăng sức bật đô thị vệ tinh Hòa Lạc
Câu chuyện xây dựng đô thị đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á ở Hòa Lạc khiến giới chuyên gia liên tưởng nhiều tới các dự án ký túc xá bỏ hoang rải khắp các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương… Điểm chung nằm ở hành trình trầy trượt thiếu kinh phí đầu tư (chủ yếu vốn ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ đồng), đến khi hoàn thành gần như bỏ hoang do… lác đác sinh viên về ở. Lý do không phải chất lượng phòng ốc kém, giá thuê đắt mà lý do sinh viên từ chối chỉ vì quá bất tiện, xa xôi. Họ chấp nhận thuê trọ đắt đỏ hơn trong trung tâm để tiện lợi đi học phụ đạo lúc muốn, làm thêm (gia sư, phát tờ rơi, bán hàng…) khi cần.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, phải rất bình tĩnh, thẳng thắn nhìn nhận rằng, vốn của Nhà nước là hạn hữu trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, muốn có kinh phí, phải huy động xã hội hóa. Trong khi, giới DN đủ tỉnh táo để không đầu tư vào địa bàn ít sinh lời, heo hút người. Chủ trương phát triển 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai phù hợp với quy hoạch đô thị hiện đại nhưng thực hiện quy hoạch là một chuyện khác.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn đặt câu hỏi: “Việc chúng ta bố trí địa điểm mới cho Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc khi hạ tầng chưa theo kịp, liệu đã chuẩn chưa?”. Cần hiểu rằng, sinh viên Việt Nam đi học khác xa sinh viên Mỹ và nhiều nước khác.
Chỉ một số ít ở ký túc xá và hơn 78% sinh viên ở ngoại trú (để đi làm thêm, gặp gỡ bạn bè). Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, giảng viên khi dịch chuyển toàn bộ lên trường mới, đã tính đến bài toán gia đình, con cái họ chưa? Rõ ràng, tất cả những bản lề về văn hóa, hạ tầng tối thiểu, chúng ta còn mông lung. Như thế, khó “kéo” con người lên học tập, sinh sống ổn định.
“Trước hết, hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật và giao thông công cộng, giao thông thông minh tại Hòa Lạc phải hoàn thiện hơn nữa. Ở Nhật Bản, giao thông tốt, người dân đi làm rất thuận tiện, tạo đà hút người dân ra bên ngoài, kéo theo gia đình, dịch vụ, trường học, bệnh viện và tất cả những thứ khác… Các DN, tập đoàn lớn rất “nhạy”, khi tất thảy các yếu tố trên tốt lên, Hòa Lạc sẽ như “con gà đẻ trứng vàng” đầu tư bất động sản. Nguồn vốn đầu tư dự án Đại học Quốc gia không chỉ được khơi thông mà còn tránh được tình trạng bỏ hoang khi đi vào hoạt động” – KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt và thông qua năm 2003, với mục tiêu phát triển một đô thị đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2013, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc mở rộng thành 1.113ha, thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2025. Ngoài 1.000ha là khu đại học và các cơ sở nghiên cứu cao cấp, diện tích còn lại là khu tái định cư. Dự án phục vụ cho khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên. Tổng vốn nâng từ 7.320 tỷ đồng (năm 2003) lên hơn 25.800 tỷ đồng (82,63% vốn Nhà nước). |