Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đò đu dây qua sông, rất nguy hiểm khi mùa nước lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có thử đi trên những con đò du dây qua sông Nhuệ mới cảm nhận được sự nguy hiểm của nó. Vậy mà hơn nửa thế kỷ nay, người dân vẫn thường xuyên sử dụng những chuyến đò dây qua sông.

KTĐT - Có thử đi trên những con đò du dây qua sông Nhuệ mới cảm nhận được sự nguy hiểm của nó. Vậy mà hơn nửa thế kỷ nay, người dân xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội vẫn thường xuyên sử dụng những chuyến đò dây qua sông. Hàng ngày biết bao người dân đang phải “đánh đu” với số phận của mình trên dòng sông Nhuệ.  

Hơn nửa thế kỷ đu dây qua sông

Nắng đã vượt quá đỉnh đầu, những chuyến đò đu dây vượt sông Nhuệ vẫn nặng trĩu người sang. Chốc lại có những chiếc thuyền máy chở cát chạy qua khiến cả dòng sông đen kịt ngầu bọt trắng. Đó là lúc người lái đò phải gồng mình giữ tay, ghìm chân cho con thuyền khỏi tròng trành. Khách trên đò cố bám lấy mạn thuyền ai nấy đều không giấu được nét mặt lo lắng.

Người phụ nữ chạc tuổi 50 vã mồ hô, tất bật bắc chiếc ván gỗ mỏng lên bờ sông để khách dắt xe lên bờ. Mỗi khi hoàn thành chuyến đò là một lần thở phào nhẹ nhõm của cả khách và chủ đò.

Vừa gồng mình đu chiếc dây vắt vẻo qua sông, cô lái đò nói: “Nước sông cạn nên còn đỡ. Nếu đi vào mùa mưa, ai không quen chắc chả dám đi. Chúng tôi kéo đò cũng rất vất vả. Những ngày đó phải đàn ông khỏe mạnh mới kéo được đò.”

Thống kê tại địa bàn xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội có tới 3 chiếc đò đu dây qua sông. Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Chính trưởng thôn Thạch Nham (Mỹ Hưng), ông cho biết: Đây là những con đò dân sinh, tự người dân tạo ra để đưa khách qua sông. Hiện cả xã có tới 3 chiếc đò ngang nằm dải trên bờ sông Nhuệ, cách nhau chừng 2km.

Những chiếc đò mới cũng có tuổi hơn 10 năm. Con đò lâu đời nhất thuộc thôn Thạch Nham, đã lên tới hơn 50 năm.

Theo người dân cho biết, trước đây mọi người qua sông thường đi bằng thuyền nhỏ có người chèo qua sông. Tuy nhiên, khi có các phương tiện lớn hơn như: Xe đạp, xe máy người dân đã sáng tạo ra con đò to hơn và kéo bằng dây.

Xã Mỹ Hưng nằm ven con sông Nhuệ, bên kia sông thuộc địa phận huyện Thanh Trì (Hà Nội). Khi người dân qua sông vào nội thành quãng đường khoảng 5km. Còn đi đường vòng (không qua đò) chừng hơn 20km. Chính vì vậy, người dân thường xuyên lựa chọn đi đò qua sông.

Chị Nguyễn Thị Kim Hiền thường xuyên vào nội thành buôn bán nói: “Dẫu biết đi qua sông bằng đò đu dây là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải lựa chọn. Ngày nào chị cũng phải qua đây ít nhất là 2 lần. Chị đi chợ khu Linh Đàm, Cầu Biêu nếu không qua đò đi mất khoảng hơn 1 tiếng. Còn qua đò chỉ mất 15 phút”.

Anh Nguyễn Văn Ò (huyện Thanh Trì), ì ạch vác những bao thóc xuống đò: “Quê vợ tôi bên này sông, tôi lại làm nghề thu mua thóc gạo. Ngày nào cũng qua chiếc đò này khoảng 8 lần. Đò giang thế này cũng rất bất tiện, nguy hiểm nhưng vẫn phải đi. Nếu đi đường vòng cũng phải mất hơn 10km, còn qua đò chỉ hơn 1km”.

Bốc xong hàng anh Ò nhìn xa về phía bên kia sông: “Giá như có cây cầu thì tốt biết bao!”.

“Đánh đu” với số phận và ước mơ có một cây cầu

Theo quan sát, những chiếc đò du dây qua sông tại xã Mỹ Hưng được làm bằng xi măng, cốt thép. Chiều dài chừng khoảng 3m, chiều rộng khoảng 1,5m, ván sàn của đò được làm từ những chiếc ván thôi (quan tài cũ) .

Hơn nữa, những chiếc đò này không được trang bị để đảm bảo an toàn cho người qua sông. Hầu hết rất thô sơ không hề có lan can chắn hay phao cứu sinh. Tuy nhiên, chuyến đò đầy nhất cũng lên tới cả chục người gồm cả xe máy và xe đạp.

Ông Nguyễn Mạnh Đại (chủ đò thôn Quảng Minh, Mỹ Hưng) cho biết: “Những chiếc đò của chúng tôi chở tối đa cũng được khoảng 7 chiếc xe máy và gần 10 người. Còn xe đạp thì khoảng chục cái. Nhiều khi nước sát mép đò nhưng do kinh nghiệm nên khó có thể xảy ra sự cố gì…”.

Anh Công Tráng, một khách quen của con đò thôn Thạch Nham nói với giọng phớt lờ: “Ôi dào, ở đây toàn dân sông nước. Chẳng may có rơi xuống sông cũng không chết được. Nhiều lần lật đò lắm rồi, nhưng có ai làm sao đâu…”.

Chuyến đò đu dây qua sông Nhuệ trở nên nguy hiểm khi mùa nước lên cao, người kéo dây chỉ cần sơ ý tuột tay ra khỏi dây, đò có thể trôi tự do trên sông, rất dễ khiến chiếc đò ụp xuống.

Ông Nguyễn Tiến Chính, trưởng thôn Thạch Nham chia sẻ: “Quả thực sẽ rất nguy hiểm khi mùa nước lên. Nước chảy rất xiết, rất nhiều lần đò đã bị ụp, xe máy và người chìm ngỉm xuống sông. Cũng may chưa xảy ra những điều đáng tiếc”.

Theo quan sát của phóng viên, dọc bên bờ sông Nhuệ thuộc xã Mỹ Hưng có tới 3 chiếc đò đu dây. Cách xã Mỹ Hưng không xa là làng Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) cũng dải rác 4 con đò đu dây nhỏ. Đây là những con đò chỉ sử dụng cho người đi bộ.

Cứ như thế, hơn nửa thế kỷ nay, người dân xã Mỹ Hưng phải “đánh đu” với số phận của mình trên con sông Nhuệ. Một cây cầu bắc qua sông là niềm mơ ước của bao người dân vùng ốc đảo thuộc Hà Nội này.