Vào vụ cuối năm
Đến với làng nghề đồ gỗ Vân Điềm (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) những ngày này, đâu đâu cũng thấy từng tốp thợ đang căng mình, hối hả làm việc để cho ra sản phẩm nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường vào dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thị Nga - chủ cơ sở mộc Gia Phú cho biết, các làng nghề đồ gỗ như Thiết Úng, Hà Khê, Thiết Bình hay Vân Điềm có truyền thống lâu năm trong sản xuất sản phẩm đồ gỗ.
"Thời điểm hiện tại, tiêu thụ có chậm so với thời gian trước, tuy nhiên vẫn có khách hỏi mua khá đều đặn. Ngoài nhu cầu trong nước, còn có nhiều du khách đã đặt mua về làm quà tặng" - bà Nguyễn Thị Nga nói và cho biết thêm, đa phần khách mua về đều đặt hàng qua các trang mạng xã hội do làng nghề đã chú trọng đẩy mạnh công nghệ 4.0 trong thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Triển khai việc này cũng góp phần nâng cao thu nhập, giúp người thợ sống được với nghề. Hơn nữa, các nghệ nhân cũng thường xuyên trao đổi để rút kinh nghiệm từng sản phẩm, liên tục thay đổi mẫu mã nhằm theo kịp trào lưu, xu hướng mới của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Thuyết - chủ một cơ sở sản xuất tại Vân Điềm cho biết thêm, trước đây, làng nghề thường hay xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng hiện tại nhu cầu về bàn ghế, tượng... trong nước đang tăng mạnh trở lại. "Để đáp ứng thẩm mỹ cũng như kịp với thời hạn bàn giao, các cơ sở đã áp dụng nhiều giải pháp cải tiến, sáng tạo. Như trước đây, đa phần công đoạn đều phải đục bằng tay nhưng nay nhiều cơ sở đầu tư máy móc trong sản xuất, chỉ đục với các vị trí cần thiết để tạo nét" - anh Nguyễn Văn Thuyết cho hay.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, làng nghề gỗ Vân Hà vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về giữ và phát triển nghề. Ông Nguyễn Văn Thông - nghệ nhân ở thôn Vân Điềm mong muốn, bảo tồn nghề truyền thống của làng khi hiện tại lực lượng lao động đang rất ít. "Dù là nghề cha truyền con nối nhưng hiện tại lớp trẻ theo học đại học, xa quê. Vì vậy, các cấp chính quyền vẫn phải có thêm những chủ trương, chính sách mới để làng nghề không bị mai một" - nghệ nhân Nguyễn Văn Thông chia sẻ.
Ngoài ra, hiện làng nghề gỗ cũng đang chịu thách thức về đầu ra cho sản phẩm khi đơn hàng phải cạnh tranh lớn trước yêu cầu về mẫu mã, chất lượng. Hiện tại, hầu hết cơ sở sản xuất vốn ít, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu đã làm cho sản xuất chậm phát triển. Do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mới, đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phó Giám đốc Công ty Thiết kế nội thất TKA Trần Thanh nhìn nhận, lao động trong các làng nghề chủ yếu là lao động thủ công, phần lớn do truyền nghề bằng phương thức cầm tay chỉ việc. Do đó, liên kết giữa DN với các hộ sản xuất theo cơ chế thị trường còn gặp nhiều lúng túng. "Vì vậy, làng nghề cần có đại diện liên kết các cơ sở, hộ gia đình để xúc tiến tạo ra chuỗi liên kết. Ở đó, công ty nhập khẩu gỗ nguyên liệu nguồn rủi ro thấp, kết hợp với các hộ gia đình trong làng nghề sản xuất, tạo ra tính chuyên môn hóa để thúc đẩy phát triển và chuyển cho DN tiêu thụ sản phẩm" - ông Trần Thanh nhấn mạnh.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023 nhưng giảm 0,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 790 triệu USD, tăng 4% so với tháng 9/2023 và tăng 0,3% so với tháng 10/2022.