Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Đỏ mắt" chờ hàng hoá giảm giá theo xăng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, tuy nhiên giá các loại hàng hóa thiết yếu từng “té nước theo mưa” tăng theo giá xăng hiện nay vẫn ''án binh bất động'', khiến người tiêu dùng không khỏi mong ngóng.

Giá hàng hóa chỉ tăng không giảm

Sau 3 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp trong tháng 7/2022, xăng E5RON92 đã giảm 6.233 đồng/lít, xăng RON95 giảm 6.798 đồng/lít, dầu diesel giảm 5.162 đồng/lít, dầu hỏa giảm 3.538 đồng/lít, dầu mazut giảm 4.190 đồng/lít.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của DN, đồng thời góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển. Qua đó, sẽ góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang leo thang từng ngày.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, trên thị trường hiện nay đang có một nghịch lý, đó là khi giá xăng tăng, hàng hóa đồng loạt tăng giá theo, nhưng khi xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn đang tiếp tục leo thang, ''cố thủ'' ở mức cao, khiến người dân thấp thỏm mong ngóng.

Giá thịt lợn tăng từng ngày, dao động quanh mốc 110.000 - 150.000 đồng/kg
Giá thịt lợn tăng từng ngày, dao động quanh mốc 110.000 - 150.000 đồng/kg

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ: Thành Công, Hà Đông, Phùng Khoang… cho thấy, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều neo ở mức cao. Cụ thể, thịt lợn dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước); dầu ăn Simply có giá 130.000 đồng/chai 2 lít (tăng 15.000 đồng); mì tôm tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/thùng…

Chị Nguyễn Thị Hiền - cư dân ở khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông) thắc mắc: “Thời gian vừa qua, các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tăng giá chóng mặt. Nguyên nhân được người bán giải thích là do giá xăng tăng. Hiện nay giá xăng đã giảm hơn 6.000 đồng/lít nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy người bán giảm giá mặt hàng nào”.

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hải - nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa chia sẻ: “Do làm xa nhà, nên buổi trưa tôi thường ăn ở các cửa hàng gần công ty. Nhưng giá mỗi suất ăn trưa liên tục tăng từ 5.000 - 10.000 đồng sau mỗi đợt xăng tăng giá và được thiết lập mặt bằng giá mới, mặc cho giá xăng giảm ngay sau đó”.

Giải thích tình trạng này, chị Trần Thị Hải - chủ một cửa hàng ăn uống tại quận Thanh Xuân tâm sự, từ đầu năm tới nay, cửa hàng của chị cũng gặp nhiều khó khăn khi giá xăng tăng cao. Hàng hóa chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, buộc cửa hàng phải thông báo tăng giá khoảng 10 - 20% một số món ăn trong thực đơn. Việc cửa hàng chưa giảm giá hàng hóa vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn rất cao và giá xăng có thể tăng trở lại trong thời gian tới.

Bao giờ giá hàng hóa mới giảm?

PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, tâm lý của người kinh doanh bao giờ cũng giữ giá. Trong khi giá không phải do Nhà nước quy định, mà là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Nên khi người tiêu dùng không có phản ứng thì chắc chắn người bán hàng sẽ không tự động giảm. Khi khách hàng không chấp nhận được thì buộc người bán giảm. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Tuy nhiên, khi xăng giảm, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào người bán. Trong khi, hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, cơ quan quản lý khó có thể can thiệp về điều chỉnh giá cả.

Việc điều chỉnh giảm giá không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các DN cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thông thường, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc, còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục