Đò ngang qua sông Hồng tại huyện Phú Xuyên: Bốn bến đều vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có 4 bến đò ngang qua sông Hồng, nhiều năm qua kết nối giao thương hàng hóa với huyện Kim Động và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Trong đó có 2 bến được cấp phép chở xe ô tô dưới 3,5 tấn, 2 bến còn lại chưa được cấp phép chở xe ô tô. Tuy nhiên, cả 4 bến hiện nay đều vi phạm các quy định trong vận tải đường thủy.

Thiếu kiên quyết xử lý

 4 bến đò ngang này gồm: Bến đò Văn Nhân (xã Văn Nhân), bến đò Vườn Chuối (xã Hồng Thái), bến đò Đại Gia (xã Thụy Phú) và bến đò Giáng (xã Quang Lãng). Trong đó, bến đò Văn Nhân và Hồng Thái đã được chủ bến đầu tư nâng cấp đò, đồng thời kè và đổ bê tông làm đường dẫn xuống đò nên năm 2014 đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho chở xe ô tô dưới 3,5 tấn. Còn bến đò Đại Gia và bến đò Giáng do không đủ điều kiện nên đến nay chưa được cấp phép chở xe ô tô.

 
Mặc dù chỉ được chở xe ô tô dưới 3,5 tấn, nhưng tại bến Vườn Chuối, đò vẫn chở xe ô tô vượt quy định. (trong ảnh: Đò có xe ô tô chở gạch).
Mặc dù chỉ được chở xe ô tô dưới 3,5 tấn, nhưng tại bến Vườn Chuối, đò vẫn chở xe ô tô vượt quy định. (trong ảnh: Đò có xe ô tô chở gạch).
Qua tìm hiểu được biết, các chủ đò đều biết chở xe ô tô hoặc chở xe ô tô quá trọng tải là vi phạm, nhưng vì lợi nhuận nên họ làm liều. Ngoài ra, một số chủ bến đò còn không niêm yết bảng giá vé. Bên cạnh đó, các chủ đò thường thu phí cao hơn quy định đối với người đi xe máy, xe đạp là 3.000 - 4.000 đồng nhưng lại thu 5.000 - 10.000 đồng/lượt, xe ô tô là 20.000 - 40.000 đồng nhưng thu 40.000 - 100.000 đồng/lượt, và các chủ đò thường không giao vé cho các chủ phương tiện.

 Để kiểm chứng thông tin phản ánh của người dân, cuối tháng 12/2014, phóng viên có mặt tại các bến đò, nhận thấy, cứ khoảng 15 phút lại có một chuyến đò ngang qua sông Hồng. Tất cả các chuyến đò qua sông đều chở các loại xe ô tô. Đối với bến đò Văn Nhân và bến Vườn Chuối được chở xe ô tô dưới 3,5 tấn thì thường xuyên chở xe tải chuyển vật liệu xây dựng quá trọng tải từ tỉnh Hưng Yên sang huyện Phú Xuyên. Còn bến đò Thụy Phú và bến đò Giáng, tuy không được phép nhưng vẫn chở xe ô tô dưới 3,5 tấn, thậm chí có chuyến chở 2 xe ô tô, trong đó có ô tô tải chở vật liệu xây dựng.

 Do đường dẫn xuống bến đò Đại Gia dốc và hẹp, dễ gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông khi lên xuống đò, nên lực lượng chức năng đã xây trụ bê tông và cắm biển báo cấm xe ô tô. Tuy nhiên, gần đây, chủ đò đã phá trụ bê tông, mở đường dẫn để ô tô xuống đò. Còn tại bến đò Giáng, lực lượng chức năng cũng đổ trụ bê tông để cấm xe ô tô, nhưng chủ đò lại ngang nhiên làm đường dẫn khác để ô tô xuống đò.

 Đùn đẩy trách nhiệm

 Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Phú Phạm Văn Kiền thừa nhận, bến đò Đại Gia vẫn chở xe ô tô như người dân phản ánh là đúng. Mặc dù UBND xã đã nhiều lần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 2 triệu đồng, nhưng vẫn không đủ sức răn đe. Mặt khác, ông Kiền lại cho rằng: “Do địa phương không có nghề phụ nên rất khó để hoàn thành chỉ tiêu trong việc thu thuế huyện giao hàng năm. Nhiều năm qua, bến đò Đại Gia được coi là nguồn thu thuế chính…”.

 Nói về những vi phạm nêu trên, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Phú Xuyên Trương Văn Toàn cho biết, do nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa 2 địa phương ngày càng tăng nên các bến đò trên địa bàn đóng vai trò rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa. Lợi dụng địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng, đặc biệt các bến đò nằm ở cách xa trung tâm huyện gần 30km khó khăn cho công tác kiểm tra nên các chủ đò vẫn lén lút chở xe ô tô hoặc chở xe ô tô quá trọng tải. “Để xử lý dứt điểm vi phạm, UBND huyện cần quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã có bến đò ngang đang hoạt động tăng cường tuyên truyền, đồng thời gắn kết trách nhiệm cán bộ trong công tác quản lý. Làm được như vậy, tình trạng tái vi phạm tại các bến đò sẽ giảm” - ông Toàn nói.

 Thiếu tá Lê Hồng Chuyên - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an huyện Phú Xuyên) cho biết, từ năm 2013 đến nay, Công an huyện nhiều lần bất ngờ kiểm tra và đã hơn 30 lần lập biên bản xử phạt chủ phương tiện và chủ bến cho xe ô tô đi vào đường cấm để xuống đò hoặc đã lên đò. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, các chủ đò lại tái phạm. Thiếu tá Lê Hồng Chuyên cho rằng, để xử lý dứt điểm những vi phạm nêu trên, ngoài việc UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với Công an huyện tăng cường kiểm tra, xử lý thì rất cần có sự vào cuộc của các sở, ngành TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần