Một trong những nội dung quan trọng trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch đó là định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng gắn với tổ chức không gian nhằm tạo ra sự hài hòa, hợp lý trong quá trình phát triển.
Còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển
GS.TS Hoàng Văn Cường – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô đánh giá, trong giai đoạn vừa qua bên cạnh những thành tựu đạt được, trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém cần được khắc phục để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, thực sự là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Hà Nội chưa có một thể chế thực sự vượt trội để phát huy hết tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Hiện có Luật Thủ đô, tuy nhiên trong đó còn nhiều quy định ràng buộc làm hạn chế sự phát triển. Chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân TP. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề gây nhiều tổn hại về chi phí kinh tế, giảm chất lượng sống và giảm sức hút của Thủ đô. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá vượt trội. Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phải có những giải pháp đột phá để giải quyết trong giai đoạn tới”- GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và vị trí địa chiến lược của Thủ đô cho sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không chỉ có ý nghĩ làm căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng đối với quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển Thủ đô, mà là kim chỉ nam để phát triển Hà Nội thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tạo ra sự lan tỏa trong phát triển vùng, liên vùng và cả nước.
Phát triển đô thị hài hòa, giao thông đồng bộ có tính kết nối cao
Một trong những nội dung quan trọng của Quy hoạch Thủ đô đó là định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng gắn với tổ chức không gian nhằm tạo ra sự hài hòa, hợp lý trong quá trình phát triển. Trong đó về phát triển đô thị, GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay, quy hoạch định hướng phát triển hài hòa, bền vững, xác định các cực tăng trưởng và vùng động lực phát triển của Thủ đô. Ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu để tạo động lực phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa. Nghiên cứu, xác lập các tiêu chí, lộ trình phù hợp để thành lập 2 TP trực thuộc Thủ đô ở khu vực phía Bắc (Sóc Sơn - Đông Anh - Mê Linh); ở khu vực phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai). Nghiên cứu mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng, hạn chế gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử. Thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành tới các khu vực có điều kiện thuận lợi; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.
Về phát triển hạ tầng giao thông sẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện giao thông phát thải thấp. Xây dựng các tuyến đường kết nối với các trục quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Xây dựng các nút giao thông kết nối với 11 tuyến đường bộ cao tốc, 10 tuyến quốc lộ, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4 (hoàn thành trước năm 2027), Vành đai 5 (chuẩn bị đầu tư trước năm 2030) để thực hiện kết nối liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du miền núi phía Bắc. Xây dựng hệ thống bến xe, trung tâm tiếp vận, nghiên cứu chuyển chức năng một số bến xe trong nội thành thành bãi trông giữ xe, thực hiện chức năng giao thông tĩnh. Ưu tiên xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu vượt sông có tính kết nối cao và điều kiện đầu tư thuận lợi. Nghiên cứu, xây dựng 11 tuyến đường sắt đô thị. Đầu tư xây dựng thêm các cầu vượt sông, trong đó sông Hồng: 23 cầu (14 xây mới, quy hoạch thêm 5 cầu); sông Đuống: 8 cầu (4 xây mới); sông Đà: 3 cầu (1 xây mới) để tạo sự phát triển cân đối, hài hòa. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu xây dựng thêm 1 sân bay đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía miền Bắc.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội, TS Lê Văn Hoạt đánh giá, những định hướng phát triển đô thị, hạ tầng giao thông đã đề cập khá toàn diện. Tuy nhiên, trong định hướng phát triển giao thông cần chú ý tính đồng bộ cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không; cân đối giữa đầu tư làm đường và hệ thống bến, bãi; chú trọng hoàn thiện hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, các trục kết nối để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông sau đầu tư.
Thương mại, dịch vụ và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Đối với các ngành kinh tế, quy hoạch xác định thương mại - dịch vụ và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là mắt xích quan trọng gắn kết nông nghiệp, công nghiệp của cả Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước. Phát triển hạ tầng dịch vụ văn minh, hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic. Xây dựng một số khu vực của Hà Nội trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực, áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch và thanh toán. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển các khu thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với các công trình văn hóa - thiên nhiên nổi tiếng, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của Thủ đô về văn hóa, khoa học và công nghệ. Xây dựng các mô hình thương mại - dịch vụ - du lịch quy mô tầm cỡ khu vực.
Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Bảo đảm đồng bộ và hợp lý giữa bán buôn và bán lẻ, giữa thương mại truyền thống và hiện đại; đẩy mạnh các loại hình thương mại có giá trị gia tăng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa; tạo đột phá cho phát triển thương mại gắn với phát triển du lịch; khuyến khích phát triển thương mại điện tử. Hình thành các không gian mua sắm kết hợp với ẩm thực và cơ sở lưu trú gắn với các tuyến phố đi bộ; phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực bảo tồn phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm, kết nối với không gian trình diễn lễ hội văn hóa phục vụ khách du lịch, dịch vụ hai bên sông Hồng. Đầu tư các trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực đô thị mở rộng; phát triển các khu thương mại tổng hợp theo tiêu chuẩn quốc tế tại các khu đô thị cao tầng, tập trung đông dân cư. Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ có chức năng đầu mối cấp vùng và quốc gia (chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng hóa…) ở phía Nam và phía Bắc tại khu vực đường Vành đai 4. Quy hoạch mạng lưới chợ bán lẻ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa tổng hợp tại khu vực nông thôn; hình thành các điểm bán hàng tự động phục vụ người dân và du khách nhằm khai thác hiệu quả không gian ngầm và không gian trên cao; dần hình thành các tuyến, trục phố thương mại trên cơ sở các chợ trung tâm.
Về phát triển ngành du lịch, mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành một số dự án đầu tư phát triển du lịch quan trọng, đóng vai trò động lực để tạo đột phá phát triển du lịch Thủ đô. Hoàn thành quy hoạch, đầu tư phát triển và công nhận ít nhất 2 khu du lịch quốc gia trên địa bàn Thủ đô để tạo điểm nhấn và lan tỏa phát triển du lịch. Phát triển được một số sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật để định vị thương hiệu Hà Nội là điểm đến có sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, cạnh tranh được với các thương hiệu điểm đến đã định hình trong khu vực. Đến năm 2050, Hà Nội là trung tâm du lịch lớn trên toàn cầu, điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Du lịch giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng chính của các ngành, lĩnh vực khác, có đóng góp cao vào GRDP của Thủ đô. Phát triển sản phẩm du lịch đô thị cổ gắn với 36 phố phường, khu phố cũ và thị xã Sơn Tây, đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch đô thị hiện đại gắn với các khu vực đô thị mới đầu tư phát triển, mở rộng tại các quận nội đô và khu vực ngoại thành được định hướng phát triển thành các quận và 2 TP vệ tinh trong tương lai. Khai thác các sản phẩm, dịch vụ gắn với những giá trị di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, văn bia Quốc Tử Giám và lễ hội Thánh Gióng cùng với khu vực phố cổ Hà Nội, khu vực Hồ Tây, khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm... tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc và độc đáo kết nối các giá trị văn hóa qua các giai đoạn lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Khát vọng của Nhân dân cả nước và Nhân dân Thủ đô về xây dựng một đất nước hùng cường, một Thủ đô phát triển, thịnh vượng là có thật. Phải làm sao phản ánh được khát vọng đó vào nội dung quy hoạch, và từ đó, khơi nguồn động lực cho việc triển khai thực hiện quy hoạch. Để làm được điều này, bản quy hoạch phải vẽ ra được một bức tranh với những đường nét hết sức khái quát về một TP Thủ đô trong tương lai; phải cụ thể hóa những mục tiêu chung: Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; TP kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới thành những mục tiêu và chỉ tiêu hết sức cụ thể; phản ánh tinh thần hướng tới sự phát triển, thịnh vượng trước hết và trên hết là phục vụ Nhân dân, để Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; góp phần xây dựng một đất nước hùng cường.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội, TS Lê Văn Hoạt
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân, để xây dựng Quy hoạch Thủ đô đảm bảo chất lượng và có tính khả thi cao phải đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2022 một cách đầy đủ, trung thực, rõ hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt lưu ý đến những chỉ tiêu quá cao, không khả thi hoặc chỉ tiêu đề ra quá thấp. Ví dụ như trong bối cảnh phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội là TP toàn cầu, cần lưu ý đến lượng khách du lịch và các nhu cầu kèm theo trên địa bàn Thủ đô. Hay như cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ trong định hướng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng) trong khi thương mại điện tử đang tăng nhanh vì hiện nay một loạt cửa hàng, siêu thị trong các trung tâm thương mại lớn đã đóng cửa. Các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật phải hướng đến mục tiêu của năm 2045 với tiêu chí Thủ đô của một nước phát triển. Quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật và đơn giá trong các ngành, lĩnh vực phải tương xứng và có tính toàn cầu (chung hệ thống tiêu chuẩn, dễ nhận diện…) để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch.