Đô thị hóa và áp lực phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong báo cáo "Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập niên phát...

Kinhtedothi - Trong báo cáo "Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập niên phát triển không gian" vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ sau Trung Quốc và tạo ra nhiều áp lực cho quá trình phát triển bền vững. Hà Nội với tư cách là Thủ đô và trung tâm đô thị lớn của cả nước cũng chịu không ít thách thức từ chính quá trình tăng trưởng đô thị.

Không gian và dân số đều tăng

Theo các chuyên gia WB, trong thập kỷ 2000 - 2010, quy mô diện tích đô thị Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ vị trí thứ 7 trong khu vực (năm 2000) với 2.200km2 lên vị trí thứ 5 khu vực (năm 2010) với tổng diện tích đô thị đạt 2.900km2. Mức tăng 700km2 này đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng diện tích đô thị lớn nhất trong khu vực. Về không gian, các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8%/năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực.
Một góc Thành phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một góc Thành phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trong giai đoạn 2000 - 2010, dân số đô thị Việt Nam tăng 7,5 triệu người và hiện là nước có dân số đô thị lớn thứ 6 trong khu vực Đông Á với khoảng 23 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số đô thị bình quân đạt 4,1%/năm, đây cũng là tỷ lệ cao trong khu vực chỉ thấp hơn Lào và Campuchia. Trong giai đoạn (2000 - 2010), dân số đô thị của Việt nam thay đổi từ 19% sống tại thành thị (khu vực đô thị có từ 100.000 người trở lên) lên 26%.

Không chỉ là Thủ đô của cả nước, Hà Nội còn là TP chi phối cảnh quan đô thị của quốc gia về không gian và dân số. Mô hình phát triển không gian khu vực đô thị Hà Nội cũng có nhiều khác biệt so với TP Hồ Chí Minh. Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, đặc trưng bởi hàng trăm khu dân cư nằm rải rác, bao gồm các thị trấn nhỏ, Hà Nội có những đặc điểm tương phản với hầu hết các cụm dân cư đồng nhất của TP Hồ Chí Minh. Quá trình phát triển mới xung quanh Hà Nội cũng phân tán tương tự, mặc dù từ năm 2000 đến nay các khu dân cư nằm rải rác đã kết nối vào các hành lang dọc theo đường quốc lộ, như theo tuyến Đông Bắc từ trung tâm Hà Nội qua Bắc Ninh và đến phía Đông theo hướng Hải Dương.

Những nơi mật độ dân cư đô thị tăng nhanh nhất khu vực Hà Nội là những quận nội đô lâu đời như Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm, với mật độ dân cư trên 40.000 người/km2. Cả hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng đều tăng thêm 100.000 người mỗi quận, trong khi thực tế diện tích xây dựng không tăng. Xu hướng này đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị phải có những giải pháp phù hợp để giải tỏa áp lực cho khu vực trung tâm TP vốn đã đông sẽ tiếp tục đông hơn trong tương lai.

Đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa

Cảnh quan đô thị của Hà Nội trong 10 năm WB tiến hành nghiên cứu, lập báo cáo cho thấy, đô thị được mở rộng nhưng vẫn rất chật chội đã đặt ra áp lực cho các nhà chuyên môn trong quá trình tìm kiếm hướng phát triển bền vững cho đô thị Hà Nội. Trong một nỗ lực nhằm giúp các nhà quy hoạch và quản lý của Việt Nam thực hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững và toàn diện của quá trình phát triển đô thị, các chuyên gia WB đã đưa ra 5 khuyến nghị.

Thứ nhất, chuẩn bị việc mở rộng không gian đô thị trong tương lai bằng cách tạo điều kiện tiếp cận đất đai để việc mở rộng diễn ra hiệu quả, sử dụng các cơ chế như phát triển đất có định hướng, thu gom và điều chỉnh đất, chia đất và chuyển giao quyền phát triển đô thị.

Thứ hai, bảo đảm quá trình đô thị hóa hiệu quả về mặt kinh tế bằng cách thông qua các chiến lược đô thị hóa quốc gia, hỗ trợ đầu tư công trong một loạt TP có quy mô lớn, nhỏ và vừa để thúc đẩy hoạt động kinh tế đa dạng.

Thứ ba, lập quy hoạch phát triển không gian giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội kinh tế và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của những người mới nhập cư.

Thứ tư, thúc đẩy đô thị hóa bền vững bằng cách bảo đảm các khu đô thị mật độ cao được lập quy hoạch và phối hợp tốt để tạo ra môi trường bảo đảm cuộc sống.

Thứ năm, khắc phục sự phân mảnh đô thị lớn bằng cách phối hợp các dịch vụ đô thị trên toàn bộ địa giới TP, áp dụng chính quyền cấp vùng và các cơ chế khác.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần