Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị Việt Nam đối diện thách thức từ biến đổi khí hậu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa nhanh tại Việt Nam dẫn đến việc phải đối diện với những thách thức, khó khăn lớn về ô nhiễm môi trường, khí thải, khói bụi, biến đổi khí hậu (BĐKH)...

Vì vậy, việc cấp thiết cần phải tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, thích ứng với BĐKH... là nội dung chính của Hội thảo “Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 19/1, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức.

Hiểm họa về thiên tai

Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, năm 2020 Việt Nam đã phải trải qua một kịch bản về BĐKH hết sức khốc liệt, như: Mưa đá, 13 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão gây gió mạnh nhất ở đất liền trong vòng 20 năm qua, cấp 13 – 14 tại địa bàn một số tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn cả người và tài sản của người dân... Cùng với đó là triều cường ở TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10/2020 đã gây ngập lụt trên diện rộng. “Từ năm 1958 – 2018, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,89 độ C, riêng giai đoạn 1986 – 2018 trung bình năm tăng 0,74oC; lượng mưa tăng 2,1%, hiện tượng mưa trái mùa, mưa lớn dị thường thường xuyên xảy ra, hạn hạn cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân tác động làm BĐKH, dự báo quá trình này sẽ còn tiếp tục tác động nhiều hơn đến môi trường sống” – Thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH nhận định.
 Đô thị Việt Nam đối diện với thách thức lớn về biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hùng
Ví như Hà Tĩnh, với đặc thù là tỉnh duyên hải Trung bộ, địa hình hẹp, dốc nghiêng. Hiểm họa về thiên tai, bão lũ, áp thấp nhiệt đới gây dông lốc, mưa lớn, ngập lụt thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn, bình quân mỗi năm có 4 – 5 trận lũ, có năm từ 12 – 14 trận, tương lai sẽ phức tạp hơn do BĐKH. Nhưng công tác cảnh báo sớm vẫn còn nhiều hạn chế do hệ thống chuyên dụng phải đo thủ công, chưa có phương án dự phòng khi thông báo gặp trục trặc, đặc biệt là khi mất điện, chi phí gửi tin nhắn qua mạng xã hội, như: zalo, facebook... chưa phổ biến. “Vì vậy, công tác ứng phó với thiên tai tại địa bàn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức di dời người dân ở khu vực rủi ro cao, trồng rừng đầu nguồn, cập nhật quy trình vận hành điều tiết hồ chứa dựa trên kinh nghiệm cũ; sau đó đánh giá thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm sinh hoạt... nhìn chung công tác phòng chống thiên tai, BĐKH tại địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức chia sẻ.

Cần siết chặt chế tài

Theo Giám đốc AFD tại Việt Nam Fabrice Richy, đến cuối năm 2020 tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt tỷ lệ 40%, dự kiến đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt mức 45%. Đô thị Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai, BĐKH xuất hiện ngày càng nhiều, bất thường. Cần sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi, thích ứng với BĐKH cho đô thị là cần thiết.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tùng Phong – Viện Khoa học Thủy lợi cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định của ông Fabrice Richy. Theo giáo sư, Việt Nam với quy mô dân số trên 90 triệu người hiện nay, quá trình đô thị hóa nhanh, BĐKH tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các đô thị vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, xu hướng trong thời gian tới sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, phải có giải pháp cụ thể về: hạ tầng, tài chính, truyền thông, đào tạo nhân lực, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế. “Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là về thể chế. Nhà nước cần rà soát lại những văn bản luật đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, siết chặt chế tài để thực thi có hiệu quả; bộ máy tổ chức phải đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp. Đặc biệt quan tâm thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào phòng chống thiên tai” – GS.TS Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh.

"Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, vận động, điều phối nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư, phát triển hệ thống đô thị quốc gia nhằm thích ứng về BĐKH, như: Dự án BĐKH vùng ĐBSCL, miền núi phía Bắc…; hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực chính quyền địa phương trong việc điều phối, quản lý thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị có tính đến yếu tố BĐKH, xây dựng báo cáo đánh giá đô thị tăng trưởng xanh, đề án đô thị thông minh hướng tới phát triển đô thị bền vững." - Cục trưởng Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), TS Trần Quốc Thái