Bước ngoặt quan trọng
TP Hà Nội có hệ thống không gian xanh đa dạng gồm sông, hồ, rừng và núi. Hệ thống sông là yếu tố chức năng và kết nối chính tạo nên bộ khung cấu trúc tổng thể của TP. Tuy nhiên do mật độ dân số, mật độ xây dựng tại Hà Nội khá cao đã đặt ra nhiều thách thức trong việc cố gắng đạt được mật độ cây xanh chuẩn.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Tiêu chuẩn không gian xanh hiện tại ở đô thị Hà Nội chỉ khoảng 1,93m2/người, một diện tích nhỏ so với tiêu chuẩn của Việt Nam là 12- 15m2/người. Đây là một trong những lý do khiến chất lượng không khí ở các thành TP kém, khí hậu thường xuyên nóng bức, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Ước tính mỗi người dân đô thị cần khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 cây xanh để đảm bảo đủ không khí trong lành. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho cây xanh ở các quận trung tâm Hà Nội hạn hẹp và phân bố không đồng đều.
Trong bối cảnh đó, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 đã xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô 2012 để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Nội dung liên quan đến không gian xanh trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được quy định tại Điều 17 về Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 18 về biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch; Điều 28 về bảo vệ môi trường. Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên có những quan điểm chính gồm: Việc xây dựng và phát triển Thủ đô thực hiện theo 2 quy hoạch (Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô) phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP. Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống: Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Quỹ đất sau khi thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không phù hợp với quy hoạch sẽ được bàn giao cho TP quản lý, sử dụng: Trong đó, tại khu vực nội đô lịch sử được xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng. Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Mặt khác, tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc được xác định là động lực phát triển chính của Thủ đô. Trong tổ chức không gian, thành phố xác định sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10- - 12m2/người. Về tầm nhìn đến năm 2050, phát triển xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ môi trường, cảnh quan. Tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, TP tiếp tục cụ thể hóa và cập nhật các điểm mới của công tác quản lý phát triển không gian xanh đô thị.
Rà soát cập nhật quy hoạch tổng thể
Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững là vấn đề xu hướng của thời đại. Đây cũng là chủ đề nóng đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân. Đặc biệt khi Luật Thủ đô 2024 đã được thông qua.
Vì vậy, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Và câu chuyện với sông Tô Lịch mà TP Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Đề cập đến giải pháp quy hoạch xây dựng không gian xanh cho Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết phải thường xuyên rà soát và cập nhật quy hoạch tổng thể và chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu mới. Các quy hoạch phải được liên kết chặt chẽ với nhau, từ cấp TP đến cấp quận, huyện
Điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ lệ đất dành cho không gian xanh, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm và khu dân cư mới; bảo vệ những khu vực có giá trị sinh thái cao, các hồ, sông, kênh rạch, và phát triển chúng thành các không gian xanh công cộng; yêu cầu công trình xây dựng phải bố trí không gian xanh trên mái, ban công, sảnh.
Tạo ra những hành lang xanh dọc theo các tuyến đường giao thông, sông ngòi để kết nối các khu vực xanh, tạo thành một hệ thống không gian xanh liên hoàn. Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên: Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy, để góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh;
Phối hợp quy hoạch không gian xanh với quy hoạch giao thông để tạo ra các tuyến đường xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phối hợp quy hoạch không gian xanh với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cung cấp đủ nước, điện, thoát nước cho các khu vực xanh.